• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Vai trò của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là không thể tách rời"

Thời sự 05/12/2021 15:13

(Tổ Quốc) - Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" năm 2021 diễn ra chiều 5/12 tại Hà Nội với chủ đề “Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Vai trò của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là không thể tách rời" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Ban tổ chức diễn đàn gồm có Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công thương; Bộ VHTTDL; Ban tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (Ban tổ chức 248); Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là Diễn đàn hết sức quan trọng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp tọa đàm, trao đổi, thống nhất một cách tiếp cận chung về tiếp biến văn hóa để phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần "khi chúng ta có nhận thức đúng - sẽ có hành động đẹp".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vị trí, vai trò của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là một mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943 - Đảng ta đã xác định văn hóa, kinh tế là hai trong ba mặt trận trọng tâm là Kinh tế - Chính trị - Văn hóa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị".

Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được Đảng ta quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện từ Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Đảng ta xác định mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế: "Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc". Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm nêu trên và Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ "xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh".

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, Thủ  tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016, theo đó lấy ngày 10 tháng 11 hàng năm làm Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và ngày 7/11/2016, tại Lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt nam, Thủ tướng đã phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh bởi "doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế". Để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta rất cần có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp phát triển hài hòa dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó văn hóa chính là "yếu tố cốt lõi", là nền tảng dẫn dắt và điều chỉnh các trụ cột khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp.

Nêu ba yếu tố hình thành nên Văn hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, thứ nhất là được tạo dựng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, dần dần trở thành tình cảm, suy nghĩ, niềm tin, ý thức tự giác của mỗi cá nhân và truyền thống của doanh nghiệp. Thứ hai là được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thứ ba là được thể hiện trong văn hóa giao tiếp và ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp cũng như với đối tác, khách hàng, trong phong cách lãnh đạo và phương thức quản trị doanh nghiệp.

"Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả kinh doanh, uy tín kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Sự ổn định và thịnh vượng của các doanh nghiệp cũng chính là sự ổn định và phồn vinh của đất nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ở giác độ tiếp biến văn hóa, đó sự tiếp nhận chủ động có chọn lọc, có biến đổi linh hoạt, sáng tạo những tinh hoa văn hóa về quản trị, kinh doanh để phù hợp với mục đích, nhu cầu và điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong quá trình giao lưu, tiếp xúc và hội nhập. Tiếp biến văn hóa còn diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước, là sự tham khảo, học hỏi, vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm, mô hình thành công của các doanh nghiệp khác. Tiếp biến văn hóa có ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược kinh doanh, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, cách thức quản trị điều hành doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đặc biệt là trước những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, nhiệm vụ phát huy "sức mạnh mềm của văn hóa", tiếp biến văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết nhằm giúp doanh nghiệp xử lý khủng hoảng, định hình và xây dựng chiến lược, lộ trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Thay mặt Ban Tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số nội dung trọng tâm mà Diễn đàn cần tập trung thảo luận như: Một là, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về vai trò của tiếp biến văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế; Hai là, chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện, bài học từ thực tiễn Việt Nam và thế giới về tiếp biến văn hóa phục vụ phát triển kinh tế; Ba là, thảo luận về cách thức tiếp biến văn hóa để tồn tại, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch Covid 19; Bốn là, đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, hướng tới xây dựng "cơ chế chính sách minh bạch, nhất quán, ổn định, đồng bộ và khả thi" nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế bằng sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân.

Được biết, trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức cũng tiến hành sơ kết 05 năm triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam"; tôn vinh "Doanh nghiệp Đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam" và khen tặng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng "Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam"./.


Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ