(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Xây dựng luật không chỉ để là công cụ quản lý mà còn kiến tạo sự phát triển lâu dài
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009.
Rà soát các luật có liên quan trực tiếp với Luật Di sản văn hóa có quy định liên quan đến di sản văn hóa hoặc gián tiếp có liên quan như bộ luật Dân sự, các Luật: Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Đầu tư, Đầu tư công, Đất đai, Lâm nghiệp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Lưu trữ..., để quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật...
Đồng thời, nội luật hóa các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa.
"Như vậy, Luật Di sản văn hóa sửa đổi là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Cơ quan soạn thảo luôn luôn quán triệt nguyên tắc mà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề ra đó là xây dựng luật không chỉ để là công cụ quản lý mà còn kiến tạo sự phát triển lâu dài", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Về căn cứ xây dựng luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật được xây dựng dựa trên chủ trương, chính sách của Đảng. Cụ thể là các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nhất là, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24 tháng 11 năm 2021).
Bố cục của dự thảo gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều).
Cụ thể: Chương I. Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 30 điều (từ Điều 20 đến Điều 49); Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60); Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74); Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, gồm 04 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78); Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 12 điều (từ Điều 79 đến Điều 90); Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa, gồm 09 điều (từ Điều 91 đến 99); Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 100 đến Điều 102).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.
Trong đó, hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với di sản văn hoá, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương.
Di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành nhưng tính liên ngành rộng
Đối với vấn đề giao thoa giữa Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện Kết luận của UBTVQH tại Thông báo số 3372/TB-TTKQH ngày 28/02/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Nội Vụ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban pháp luật) để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cho phù hợp, đã được nêu rõ tại Tờ trình số 39 của Chính phủ trình Quốc hội về hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đồng thời, tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), để bảo đảm xác định rõ cơ chế quản lý đối với "bảo vật quốc gia" và "di sản tư liệu" trong trường hợp đó là tài liệu lưu trữ, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, quy định rõ (tại khoản 1 Điều 6), mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan và quy định việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng nhiệm vụ thích hợp (điểm a Khoản 1 Điều 40 và Khoản 1 Điều 57), để bảo đảm bao quát hết được các lĩnh vực, đồng bộ với các Luật, trong đó có Luật Lưu trữ.
Tuy nhiên, quy định về tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt trong nội dung dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đang được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan vẫn đang còn chồng lấn, trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia quy định tại Điều 41a trong Luật Di sản văn hóa hiện hành, dẫn đến có sự chưa thống nhất về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của 2 Luật gây khó khăn phát sinh trong thực tiễn thực hiện. Do đó, cần phải rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để bảo đảm sự phù hợp giữa hai Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành nhưng tính liên ngành rộng, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành quản lý, do đó, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ VHTTDL chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan dự thảo, tổ chức các hội thảo, xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các Bộ, ngành địa phương, làm việc với các Bộ quản lý nhà nước liên quan về các nội dung có tính chất đan xen giữa Luật Di sản văn hóa với các Luật, hoàn thiện hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội.
"Sau phiên họp này, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội theo đúng quy định", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay./.