(Tổ Quốc) - Sáng (9/5), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch để nghe báo cáo về tình hình du lịch 4 tháng đầu năm, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-01/5, nhiệm vụ trọng tâm thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra tránh tình trạng chặt chém khách du lịch
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu đi sâu vào mổ xẻ, phân tích nhằm tìm giải pháp thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Thứ nhất, về xúc tiến quảng bá, Bộ trưởng đề nghị làm rõ thời gian qua công tác này đã được triển khai và mang lại hiệu quả như thế nào và còn điểm nghẽn gì?. Theo Bộ trưởng, xúc tiến quảng bá là giải pháp quan trọng nhằm thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam, vì vậy chúng ta không thể làm tràn lan, nhỏ giọt mà phải theo hướng thường xuyên, liên tục và phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Thực tế cho thấy, hiện vẫn còn một số địa phương tự mò mẫm trong công tác xúc tiến quảng bá về du lịch chứ không theo định hướng của quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi địa phương làm mỗi kiểu, hiệu quả đạt không cao.
"Chúng ta cần phân tích rõ để qua cuộc làm việc này có thể đưa ra một thông điệp chung trong công tác xúc tiến quảng bá nhằm khuyến cáo đến các địa phương. Khi chúng ta cùng nhìn về một hướng thì chắc chắn sức mạnh tổng hợp sẽ được phát huy" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về truyền thông chính sách, Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Thời gian qua việc truyền thông đã mang lại hiệu quả chưa và đây có phải điểm nghẽn trong quảng bá du lịch? Chúng ta đã tranh thủ tối đa được mọi nguồn lực về truyền thông cho du lịch?". Nêu dẫn chứng về hiệu quả như bộ phim "A tourist's guide to love" vừa qua của Netflix, Bộ trưởng cho rằng truyền thông phải có địa chỉ cụ thể, có sản phẩm chứ không thể chung chung. Phải tranh thủ được nguồn lực từ truyền thông mạng xã hội khi các bên đã có cam kết với chúng ta.
Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch, Bộ trưởng yêu cầu cần phải đi trước, đón đầu, không dàn trải. Ví dụ như đợt xúc tiến quảng bá du lịch mà Bộ VHTTDL đã triển khai vào tháng 10/2022 tại Hàn Quốc. Nhờ chúng ta đã xác định đúng hướng, chọn đúng sản phẩm để quảng bá nên số lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 đã đạt cao nhất so với các quốc gia khác.
Song song với các vấn đề trên, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra tránh tình trạng chặt chém khách du lịch. "Việc này chúng ta đã làm và làm rất hiệu quả, bằng chứng là không có sự việc nổi cộm nào trong những tháng vừa qua, nhất là trong đợt nghỉ lễ. Về lâu dài, để giữ chân du khách thì chúng ta cần tuyên truyền để mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đây là những bài toán bắt buộc những người làm quản lý nhà nước về du lịch phải trăn trở, suy nghĩ để đưa ra dự báo sát và đúng nhằm tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Chính phủ kịp thời ban hành những chính sách phù hợp, sát với thực tiễn.
Xúc tiến quảng bá phải như "sợi dây" liên lạc thường xuyên
Cho rằng xúc tiến quảng bá vẫn là khâu yếu, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ra quan điểm cần phải triển khai một cách dồn dập, nhất là phải có sợi dây liên lạc thường xuyên thì việc xúc tiến quảng bá mới thực sự mang lại hiệu quả.
Ông Hà Văn Siêu kiến nghị Bộ cần có văn bản định hướng thị trường trọng điểm đến các địa phương. Trong đó, đưa ra các danh mục sự kiện mà Bộ sẽ triển khai xúc tiến quảng bá. Từ đó, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn để lựa chọn tham gia các sự kiện phù hợp.
Về truyền thông chính sách, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, công tác này hiện đang rời rạc và chưa tổng thể. Vì vậy, chúng ta cần có chiến lược truyền thông toàn diện, trong đó xác định được đối tượng thị trường muốn hướng đến. Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị truyền thông, nhà xuất bản, mạng xã hội…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý: "Đây là giải pháp mà chúng ta phải ưu tiên và là trách nhiệm của cơ quan, lãnh đạo được giao tham mưu trong vấn đề này".
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực sự nhìn thấy, hiểu được công tác xúc tiến quảng bá. Hiệu quả của công tác này thường được chứng minh bằng những thời điểm sau đó chứ đôi khi không nhìn thấy ngay được.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cần quan tâm trong việc lựa chọn, đào tạo nâng cao chuyên môn đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực du lịch- một ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Khâu quảng bá phải nắm bắt được tâm lý khách du lịch của các thị trường
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm ngành Du lịch đã tập trung tháo gỡ, khắc phục những "điểm nghẽn" để đạt được các kết quả đáng ghi nhận.
Về một số vấn đề cơ bản nhằm thu hút khách du lịch trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, để du lịch trở thành nền kinh tế xanh, nền kinh tế tổng hợp và từng bước trở thành nền kinh tế mũi nhọn theo chỉ đạo của Chính phủ thì Chính phủ đã kiến nghị với Quốc hội để sửa đổi Luật về xuất, nhập cảnh nhằm tháo gỡ những vấn đề về visa, tạo điều kiện để khách quốc tế đến với Việt Nam một cách thuận lợi, dễ dàng, khắc phục tình trạng chúng ta đi trước nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai hội nghị lớn với các địa phương về du lịch. Từ đó các địa phương thống nhất hành động để cùng với Bộ khắc phục điểm nghẽn, tăng thu dịch vụ du lịch trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những áp lực, khó khăn trước mắt.
Để tháo gỡ các vướng mắc, những "điểm nghẽn", Bộ trưởng cho rằng, cần phải tập trung nhiều vào công tác quảng bá hình ảnh ra quốc tế và làm mới bản sắc của du lịch. Bộ đã có những hội nghị chuyên đề với các địa phương để triển khai, hoàn thành chiến lược về marketing để quảng bá du lịch, đồng thời phối hợp với một số cơ quan truyền thông quốc tế để có được một số ấn phẩm.
Bên cạnh công tác quảng bá, Bộ trưởng cũng chỉ ra những điểm ngành du lịch đã làm được, đó là việc tập trung nhiều hơn vào các thị trường khách, có dự báo sớm, phân tích, định hướng để có phương án xúc tiến hiệu quả.
Về những hạn chế, Bộ trưởng chỉ rõ: nhìn tổng thể vẫn còn mấy việc, dư địa phát triển du lịch rất lớn nhưng cách làm vẫn chưa đạt được như mong muốn. Trong đó, khả năng phân tích, dự báo chưa sát; còn thiếu các công cụ kiểm tra, kiểm soát, đánh giá và phân tích, dự báo thị trường nhất là những thị trường khách quốc tế, chưa theo kịp những diễn biến tâm lý khách hàng sau đại dịch Covid-19.
Trước đây, khách du lịch thường đi theo đoàn và các doanh nghiệp hiện nay vẫn nghĩ như vậy nhưng đây là cách tiếp cận phải thay đổi. Chúng ta cũng chưa dự báo được tổng cầu sẽ giảm, nhu cầu chi tiêu, nhu cầu điểm đến phải an toàn. Các điểm thuận lợi nhất trong bán hàng hóa, sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của khách.
Chính vì chưa dự báo được chúng ta vẫn làm theo hướng cũ, không đưa ra được những thông điệp truyền thông mới. Theo Bộ trưởng, phải tự đặt ra câu hỏi vì sao mở cửa mà khách không đến?
Bộ trưởng cũng cho rằng, công tác xúc tiến quảng bá cũng đang gặp vấn đề. Nhìn ở góc độ địa phương và cấp Bộ, chúng ta vẫn làm theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa huy động được sức mạnh tổng lực. Trong khi đó, có những vấn đề có thể phối hợp được với Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao với các địa phương ở những địa bàn trọng điểm nhưng chúng ta vẫn chưa làm được.
Theo Bộ trưởng, chiến lược marketing thì đã có, nhưng cần lan tỏa đến các địa bàn, địa phương phải bám sát để tập trung truyền thông, quảng bá, hoạch định chính sách thu hút khách. Đừng để chiến lược marketing chỉ trong Bộ mà các địa phương không quan tâm nên họ tự đi theo cách làm của họ.
Bộ trưởng yêu cầu tập trung công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo các địa phương nghiên cứu chiến lược truyền thông, marketing; phân tích các dự báo; cung cấp cho các địa phương để các địa phương bám sát vào định hướng, tổ chức hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường, khách hàng, trao đổi khách; công bố thông tin cho các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương nắm để đi theo định hướng "đúng và trúng"…
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch phải khẩn trương xây dựng truyền thông chính sách đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, những thị trường trọng điểm; tuyên truyền về chính sách mở cửa, hội nhập của đất nước; chính sách thị thực điện tử của Việt Nam. Đồng thời, phải thông qua cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài quảng bá hình ảnh, điểm đến của Việt Nam; đề nghị các cơ quan phải đưa lên kênh truyền thông của các cơ quan.
"Những việc này phải làm thường xuyên, liên tục; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài để mỗi người dân Việt Nam là một sứ giả trong quảng bá văn hóa – du lịch Việt Nam" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục làm việc ngay với các nền tảng mạng xã hội, phối hợp để có hướng dẫn về nội dung sản xuất các video quảng bá du lịch Việt Nam; phải kiểm soát nội dung; có đặt hàng sản xuất video; ký kết hợp tác; gắn với truyền thông phải xúc tiến quảng bá, chọn việc, chọn điểm để làm.
"Khâu quảng bá phải nắm bắt được tâm lý khách du lịch của các thị trường. Đặc biệt là huy động được các địa phương có quan hệ tốt với các thị trường khách quốc tế. Phải đưa ra được những sản phẩm tạo được ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam" - Bộ trưởng lưu ý.
Bên cạnh đó là tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, New Zealand… Các đơn vị trong Bộ phải có sự phối hợp, nghiêm túc làm việc; bằng nhiều giải pháp phù hợp phải tăng lượng khách, tăng thu từ du lịch.
Với du lịch nội địa, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, khuyến khích các địa phương có sản phẩm du lịch đặc sắc; quảng bá sản phẩm đó và thông điệp của chúng ta đưa ra mạnh mẽ "Mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch". Phải làm sao du khách khi kết thúc hành trình du lịch tại Việt Nam phải luôn nhớ nhung, muốn quay lại. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những vi phạm, tình trạng chặt chém du khách.
Cùng với đó là đôn đốc, kiểm tra, đưa nhiệm vụ phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương; tham mưu cho Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch, huy động sức mạnh xã hội; đề nghị các địa phương có sự phối hợp với Bộ tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch./.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tiếp nối đà phục hồi của năm 2022, những tháng đầu năm 2023 du lịch Việt Nam đã có sự trở lại mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong tháng 4 có trên 984.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao nhất tính từ đầu năm và tăng 10% so với tháng trước. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 10,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 7 triệu lượt khách có lưu trú.
Tính chung 4 tháng qua, du lịch Việt Nam đón gần 3,7 triệu khách quốc tế, phục vụ 38 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 196,6 nghìn tỷ đồng. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Thái Lan, Nhật, Campuchia, Malaysia, Úc, Anh.