(Tổ Quốc) - Chiều 6/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm. Trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề này. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Kỳ họp này, đại biểu đã có nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc phải hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, như vậy là chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.
Trả lời đại biểu Trần Quang Minh về tuyến đường cao tốc chỉ cho chạy tối đa 80km, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long – Móng Cái, Hà Nội – Hải Phòng.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn.
Từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Bộ GTVT đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
Trả lời ý kiến đại biểu về nguyên nhân và giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong những năm vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đồng thời lưu lượng phương tiện giao thông cũng gia tăng.
Đảng, nhà nước rất quan tâm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường các giải pháp để giảm thiểu TNGT. Đến nay, TNGT có được kéo giảm nhưng vẫn còn những vụ TNGT thương tâm, nghiêm trọng.
Nguyên nhân, trước hết là ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Trong báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 90% nguyên nhân TNGT liên quan tới ý thức người tham giao giao thông.
Nguyên nhân thứ hai, là việc thực thi pháp luật ở một số đơn vị còn hạn chế. Thứ ba, là một số địa phương còn chưa quyết liệt trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều khiển phương tiện dù có cố gắng nhưng chưa theo kịp thực tiễn.
Thứ năm, kết cấu hạ tầng GTVT chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện.
Từ phân tích nguyên nhân, thực trạng, ngành GTVT cũng đã đưa ra những giải pháp để kéo giảm TNGT. Trong đó, đáng lưu ý là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật cũng như các quy định đảm bảo an toàn giao thông.
Thứ hai là kiên trì xây dựng văn hoá giao thông.
Thứ ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Thứ tư là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ưu tiên giành nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.
Thứ năm tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thuỷ, tránh phụ thuộc quá lớn vào vận tải đường bộ.