(Tổ Quốc) - Trong phiên chất vấn sáng 6/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng về dịch tả lợn châu Phi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi của Việt Nam. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rõ những thiệt hại đó và sự và cuộc của các ngành, địa phương nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.
- 06.11.2019 Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn: "Chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon"
- 06.11.2019 Giá cà phê thấp lẹt đẹt suốt 10 năm, Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng giúp nông dân
- 06.11.2019 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Các tập đoàn lớn như TH True Milk, Vinamilk, FLC, Vingroup đều đang hướng vào phân khúc nông nghiệp"
- 06.11.2019 Bộ trưởng Nông nghiệp: "Cụ 83 tuổi ở Thanh Hóa cương quyết xin thoát khỏi hộ nghèo đã thể hiện nội lực của nhân dân hiện nay"
Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta phải đối phó với loại dịch có tác hại lớn như vậy.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khoảng 100 năm nay, thế giới vẫn chưa sản xuất ra được vắc xin phòng bệnh trong khi biến đổi khí hậu khiến dịch này phát triển rất nhanh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 30% đàn lợn của thế giới bị chết. Từ đó đã tạo ra khủng hoảng thực phẩm chưa bao giờ có.
Tư lệnh ngành NN&PTNT cho biết, tháng 3/2018 khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở Trung Quốc thì Việt Nam đã có sự cảnh báo.
Bộ NN&PTNT đã ngay lập tức triển khai cuộc họp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này lây lan sang Việt Nam. Đến nay, đã có 60 văn bản chỉ đạo về dịch bệnh này, từ chỉ thị của ban bí thư, Thủ tướng đến văn bản của Bộ.
Tuy nhiên, do đặc điểm khó khăn nên ổ dịch đầu tiên đã xảy ra ở Hưng Yên. Trong thời gian ngắn, dịch bệnh này đã lan ra toàn quốc.
"Đây là việc rất đáng buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo ước tính, dịch tả lợn châu Phi đã làm chết 5,7 triệu con lợn tại Việt Nam, bằng 3,5 triệu tấn lợn.
Về các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm, phải nói rằng các địa phương đã rất nỗ lực, cố gắng. Tiêu biểu như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2019, chúng ta đã tiêu hủy 1,2 triệu con lợn bị dịch. Cho đến nay, mức độ dịch đã giảm đến thấp nhất, qua rà soát ở 9 tỉnh thì 85% số xã không có dịch quay lại sau 30 ngày. Nhiều địa phương 100% số xã không còn dịch quay lại.
Về các bước hỗ trợ cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận sự vào cuộc kịp thời của Bộ Tài chính. "Cho đến này thì Bộ Tài chính đã hỗ trợ 230.000 tỷ đồng cho 18 địa phương bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành" – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng thông tin thêm, hiện nay, chúng ta đã giữ được 109.000 con lợn cụ, kỵ, ông bà để phục vụ cho việc nhân giống, tái tạo đàn lợn sau dịch bệnh. Đàn lợn giống này được bảo vệ rất kỹ lưỡng.