• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thực hiện rốt ráo ngay từ khâu đầu vào của nông sản hàng hóa

Thời sự 18/02/2018 08:38

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( NN&PTNT) đã vạch ra nhiều nhiệm vụ cụ thể và sẽ thực hiện rốt ráo ngay từ khâu đầu vào của nông sản hàng hóa, như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm…

+ Mặc dù chịu nhiều tổn thất do thiên tai nhưng năm 2017 vẫn ghi nhận những thành công vượt bậc của ngành nông nghiệp. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD trong cả năm 2017. Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả “vượt mặt” gạo. Vậy theo Bộ trưởng đâu là yếu tố giúp ngành nông nghiệp thành công trong năm 2017?

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện rốt ráo ngay từ khâu đầu vào của nông sản hàng hóa   (Ảnh: Nam Nguyễn).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017 vừa qua đúng là năm đầy thử thách, đặc biệt là về thiên tai – một năm có 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra kéo dài quanh năm và ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2017 ước tới 60.000 tỷ đồng cho thấy mức độ khốc liệt và ngày càng phức tạp, dị thường của thiên tai. Đồng thời với đó, ngành nông nghiệp cũng gặp khó khăn về mặt thị trường.

Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tới nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, khối doanh nghiệp và bà con nông dân đã giúp ngành nông nghiệp vượt lên khó khăn, vừa phát triển vừa đẩy mạnh tái cơ cấu ngành mạnh mẽ, nỗ lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp vào khoảng 2,9% (gấp hơn 2 lần năm 2016). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của chúng ta đã đạt con số kỷ lục 36,37 tỷ USD- vượt tới hơn 4 tỷ USD so với mục tiêu đề ra là 32-33 tỷ USD, tăng 4,2 tỷ USD so với năm 2016 (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới cũng vượt mục tiêu đề ra, số liệu cập nhật đến 31/12/2017 đã có 3.067 xã (tương đương 34%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (kế hoạch là 31%), có 44 huyện đạt nông thôn mới tăng 14 huyện so với năm 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 2.000, tăng khoảng 20% mức bình quân của các năm trước đây. Tỷ lệ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra là 41,45%.

Tóm lại, năm 2017 có thể nói đúng là một năm chúng ta vượt khó để đi lên, đạt được những kết quả mốc lịch sử rất đáng tự hào.

+ Năm qua, về nông sản chúng ta có nhiều mặt hàng tham gia xuất khẩu. Vậy trong năm 2018 chúng ta xác định đâu là mặt hàng mũi nhọn tham gia lĩnh vực này để tạo động lực phát triển, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sức sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất tới 180 thị trường ngoài nước, tạo ra một nền kinh tế mở về nông nghiệp, tức là cũng phải chấp nhận hàng hóa nông sản nhập khẩu. Vì vậy, chúng ta phải xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh, có giá thành phù hợp, có thể cạnh tranh song phẳng về chất lượng. Đây là nguyên tắc chỉ đạo các kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nông sản Việt Nam đang tham gia tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu, vị thế được khẳng định và có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như hồ tiêu (kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 1,12 tỷ USD), hạt điều (3,52 tỷ USD), cao su (2,26 tỷ USD)  gỗ và sản phẩm gỗ (7,6 tỷ USD) và điển hình trong năm qua phải kể đến các mặt hàng rau quả có kim ngạch tăng trưởng mạnh, đạt 3,45 tỷ USD hay riêng con tôm đã đem về 3,9 tỷ USD.

Hiện nay, trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đã có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD là tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ. Thời gian tới, Bộ NN & PTNT xác định tôm và rau quả là hai mặt hàng có thế mạnh, còn nhiều dư địa phát triển và Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025 con tôm sẽ trở thành ngành hàng có giá trị 8 - 10 tỷ USD.

-Thưa Bộ trưởng, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ phải nỗ lực những gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2018 và những năm tới rõ ràng ngành nông nghiệp phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ để tạo chuyển biến tích cực cả về tiến độ và chất lượng của 2 chương trình lớn là cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Về cơ cấu lại nông nghiệp, sẽ xây dựng bằng được 3 phân tầng sản phẩm: Nhóm chủ lực quốc gia; Nhóm chủ lực địa phương và Nhóm đặc sản làng/xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Theo đó, sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, có giá trị kinh tế, có dư địa phát triển, đặc biệt để thành công chúng ta phải tăng cường năng lực dự báo cung cầu thị trường; định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường cùng với việc đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ tập trung xây dựng chuỗi giá trị.

Đối với những mặt hàng quốc gia mang tính chất lợi thế chúng ta phải tập trung khai thác sâu, những khâu gì yếu thì phải tập trung khắc phục. Ví dụ nhiều tỉnh như Bắc Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp hay Hà Giang đã tìm ra lợi thế của mình để đi vào khai thác.

Gần đây nhất là bài học kinh nghiệm của Sơn La, một tỉnh rất điển hình chuyển rất nhanh từ cây ngô giá trị thấp sang cây ăn quả, thành lập nhà máy chế biến, chuỗi xuất khẩu ở đấy rất tốt. Cùng với đó, phải chú ý đến sản phẩm nông nghiệp của vùng miền mang tính chất OCOP (mỗi làng một sản phẩm). Ngoài ra, việc cơ cấu lại nông nghiệp phải gắn kết chung với cơ cấu lại kinh tế nông thôn và kinh tế cả nước, cụ thể ở đây là giữa nông nghiệp với công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Có như vậy, nông nghiệp mới phát huy và đem lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

-Xuất khẩu sẽ là nhân tố quan trọng tạo động lực cho sản xuất và tăng trưởng của ngành, nhưng đi kèm đó chúng ta phải đáp ứng nhiều quy định khắt khe về chất lượng, tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo việc thực hiện các khâu này như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh trên thế giới, nhưng tỷ lệ hàng nông sản xuất đi vẫn chủ yếu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, dẫn đến chất lượng và giá trị chưa cao. Nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đó là bất lợi lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Trong khâu chế biến, sản xuất hàng hóa, ngoài những hạn chế về quy mô sản xuất còn manh mún, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn hạn chế, công nghệ chế biến phát triển chậm. Đơn cử như trong chế biến rau quả, dù đã cố gắng nhiều nhưng mới chỉ có khoảng 9% tổng lượng sản phẩm tiêu thụ có qua chế biến, còn lại là xuất bán thô. Rõ ràng đây là một hạn chế, thách thức nhưng cũng là một dư địa để năm 2018 ngành tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, năm 2018, Bộ sẽ tập trung phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu mang tính ổn định theo quy trình chặt chẽ, có kiểm soát để bảo đảm cung ứng nguyên liệu ổn định chất lượng cao, làm tiền đề cho khâu chế biến và xuất khẩu. Riêng về chế biến rau quả, trong năm 2018 Bộ sẽ cùng các địa phương khởi công các nhà máy quy mô lớn trên các vùng, miền cả nước. Nếu làm tốt điều này và động viên nông dân cùng vào cuộc thì dự báo các ngành hàng tiếp tục có dư địa tốt để phát triển.

Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và đảm bảo vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ được đặc biệt quan tâm vì đây sẽ là rào cản lớn nhất các nước sẽ dựng lên đối với nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong Kế hoạch cơ cấu ngành đến năm 2020, Bộ NN&PTNT xác định rõ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại và có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững thì các ngành hàng nông sản của chúng ta mới có vị trí vững chắc trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Bộ NN&PTNT đã vạch ra nhiều nhiệm vụ cụ thể và sẽ thực hiện rốt ráo ngay từ khâu đầu vào của nông sản hàng hóa, như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO22000...); tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh phát triển sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương...

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ