• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nội vụ xin gửi lời hứa tới Thủ tướng

Thời sự 28/06/2018 09:44

(Tổ Quốc) -Chiều 27/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Từ đầu năm 2017 tới ngày 10/6 vừa qua, Bộ Nội vụ được giao 518 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 363 nhiệm vụ, còn 155 nhiệm vụ đang thực hiện (gồm 151 nhiệm vụ trong hạn và 4 nhiệm vụ quá hạn).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, vừa qua, Bộ cũng đã đẩy mạnh xây dựng bộ máy tinh gọn, không còn phòng trong các vụ, giảm từ 6 đơn vị đào tạo xuống còn 2 đơn vị và Bộ cũng cam kết sẽ giảm 15% biên chế tới 2021.

 Tổ công tác của Thủ tướng làm việc tại Bộ Nội vụ. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, đã có những lần ông ký nhận công văn từ VPCP vào lúc nửa đêm và cho rằng đây là điều Bộ cần học hỏi về tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt với công việc, cung cách làm việc của Bộ phải có thay đổi.

“Xin chuyển lời với Thủ tướng là chúng tôi hứa sẽ phấn đấu tối đa, cải cách rất mạnh mẽ, đổi mới phương pháp làm việc trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Tại buổi làm việc, Tổ công tác đề nghị Bộ có kế hoạch tổ chức thực hiện 5 nội dung được Thủ tướng gợi ý: Vấn đề thứ nhất là biên chế và tiền lương. “Chuyện biên chế viên chức nhưng ngồi phòng công chức cần chấn chỉnh. Vừa rồi chúng ta đã rất quyết liệt, nhiều bộ ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức, nhưng dứt khoát không thể thực hiện sai kết luận của Bộ Chính trị, không thể chấp nhận tăng biên chế công chức, phình bộ máy”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Vấn đề thứ hai, về bộ máy tổ chức, các quy định không phù hợp hoặc không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì cần đề xuất mạnh dạn áp dụng thí điểm. Cần chuyển đổi mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu viên chức, đây là nhiệm vụ quan trọng và khó, cần tiếp tục sâu sát, đốc thúc triển khai cơ chế tự chủ với các đơn vị này.

Thứ ba, quan tâm vấn đề quản lý cán bộ, công chức, nhất là huy động trí thức trẻ, nhân tài; công tác đào tạo, thi tuyển chọn cán bộ…

Thứ tư, trong cải cách hành chính, cần sâu sát thực tiễn trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế để có đề xuất trúng, đúng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Và thứ năm là công tác quản lý hội và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Vừa qua, việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần phải lên tiếng kịp thời khi các tổ chức tự xưng có những hành vi vi phạm pháp luật, trái luân thường đạo lý…

Thái Tùng (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ