Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất long lanh nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.
Các trường đại học đừng để học sinh hoang mang
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về tuyển sinh 2020 sáng nay 8/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bước sang năm 2020, đất nước và ngành giáo dục chịu tác động nặng nề của dịch bệnh covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh "nguy tạo ra cơ", việc điều chỉnh, tinh giản chương trình và phương thức tổ chức dạy học ở bậc phổ thông bước đầu phù hợp. Tới đây, Bộ GDĐT tiếp tục tinh chỉnh chương trình cho phù hợp không chỉ trong mùa dịch.
Các trường đại học cần thống nhất nhận thức, cần biến nguy thành cơ hội để tư vấn và cung cấp nguồn nhân lực, thể hiện ngay trong mùa tuyển sinh này, trước hết bằng việc dự báo ngành nghề để học sinh biết được sau 4 năm học đại học ra trường như thế nào.
Tuyển sinh rất quan trọng nhưng chỉ là một khâu, nếu chúng ta chỉ đề cập đến tuyển sinh hay đầu điểm, tổ hợp… chưa phải là đủ, mà quan trọng là tư vấn, hỗ trợ cho phát triển. Trường đại học phải trăn trở trước khó khăn của đất nước, bày tỏ bằng những việc làm cụ thể.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, kỳ thi năm trước, Bộ GDĐT đã đưa hơn 50 nghìn cán bộ giảng viên về địa phương, năm nay giao cho địa phương, Bộ vẫn có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ kỳ thi, các trường đại học cũng phải có trách nhiệm, xắn tay vào cùng với thanh tra, kiểm tra để vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Trong bối cảnh đất nước khó khăn, Bộ GDĐT đã cân nhắc rất kỹ, xin ý kiến các bộ ngành, Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội để đưa ra phương án thi THPT vừa phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
"Tâm lý của học sinh căng thẳng sau 3 tháng nghỉ chống dịch, phải làm sao để hỗ trợ các em. Không có phương án hoàn hảo nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án trong sự lựa chọn, vì vậy rất cần có sự chia sẻ. Và khi đã chốt phương án thì cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán" - Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao các trường đại học đã chia sẻ nhưng phải thống nhất, thông tin phải chắc chắn, đầy đủ, được nghiên cứu kỹ mới thông tin đến xã hội, tránh trường hợp thông tin, sau đó rút lại khiến học sinh hoang mang.
Đại học là một quá trình giáo dục đào tạo nên các trường đại học cũng không thể cố gắng tìm mọi cách để kéo thí sinh vào trường cho đủ chỉ tiêu. Bởi nếu làm như vậy, nhiều thí sinh sẽ học vào ngành không đúng năng lực, sở trường của mình nên học rất vất vả, nửa chừng phải bỏ gây lãng phí.
Do đó, các trường cần phải tư vấn rất kỹ các ngành nghề cho thí sinh và cơ hội việc làm cho thí sinh trong thời gian tới. Để các em lựa chọn, tránh tình trạng các em thất vọng khi vào học.
“Trong lúc này đất nước cần sự ổn định để giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Khối đại học không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chính trị xã hội, trách nhiệm với phụ huynh học sinh, cùng đất nước vượt qua khó khăn” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Tự chủ là cơ hội không phải muốn làm gì thì làm
Phương án tuyển sinh 2020, về cơ bản giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh, tạo sự yên tâm cho học sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ lưu ý, với tuyển sinh riêng, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng không phải muốn làm gì thì làm mà phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường. Thi phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi, điều kiện tổ chức công khai minh bạch, giám sát.
Theo Bộ trưởng Nhạ, nhiều người nhận thức về kỳ thi có vẻ đơn giản nhưng thực tế không đơn giản và dễ dàng như vậy. Ngay cả những nước như Mỹ để có được trung tâm khảo thí độc lập cũng phải mất vài chục năm, chúng ta cũng tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần, phải từng bước.
Còn việc phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích.
Về tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ, Bộ trưởng Nhạ cho rằng: Quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất long lanh nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.
Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT sẽ tiến hành đối sánh với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Việc áp dụng rộng rãi học bạ điện tử nên cơ bản có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát.
Theo Bộ trưởng Nhạ, mặc dù tự chủ nhưng các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp lạ gây xôn xao cho xã hội rồi lại rút lại. Quy chế tuyển sinh đại học đã ban hành rồi thì các trường cứ thế thực hiện. Các hiệu trưởng phải trực tiếp cùng các cán bộ đào tạo tham gia tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh.
Năm nay, mùa đại dịch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng độ phân hóa đề thi vẫn có, các trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển.
“Bộ GDĐT đã ban hành đề thi tham khảo, bước đầu được nhìn nhận đảm bảo các yêu cầu đặt ra, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện đề thi chính thức”- Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.
Theo: Hồng Hạnh/Dân trí