(Tổ Quốc) - Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chính sách cử tuyển giai đoạn trước phát huy cao, cử được người rất tốt, nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi học xong về không bố trí được việc làm.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/8, trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) về trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) về giáo dục khu vực miền núi, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ưu tiên về các khâu: xây dựng trường lớp, giáo viên, chính sách liên quan về chế độ giáo viên, học sinh...
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, chính sách cử tuyển – cử đi chưa trúng. (Nguồn: QH) |
Tuy nhiên, khu vực này hiện vẫn còn những khó khăn, trong đó, cơ sở vật chất trang thiết bị nhiều địa phương chưa đạt 50% kiên cố, còn nhiều thiết bị hỏng. Ngoài ra, còn hiện tượng học sinh vì nhà xa trường học nên không thể đến trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dù tinh giản đầu mối nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo giáo viên trong cơ số. Hiện một số tỉnh, giáo viên mầm non rất ít, biên chế giáo viên cho một lớp ở nhiều tỉnh còn khó khăn, trong 3 năm không thay đổi. Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để bố trí đủ giáo viên.
Người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận hiện tượng tái mù chữ là có và hiện Bộ đang rà soát, dạy song ngữ. Với cấp 1, tiếng Việt cần tăng cường, từ đó hạn chế bỏ học và tiếp cận học tốt hơn, đồng thời kiến nghị Chính phủ cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn, có biên soạn chương trình giáo dục địa phương.
Về dồn các điểm trường, hiện Bộ hướng dẫn các tỉnh dồn điểm lẻ thành điểm chính, đảm bảo học sinh tiểu học được học gần nhà. Về trường nội trú, khuyến khích trường phổ thông dân tộc nội trú hiệu quả. Học sinh nội trú có thể sống chung trong ký túc để chia sẻ, học tập với nhau.
Về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, giai đoạn trước phát huy cao, cử được người rất tốt, nhưng gần đây xem ra không hiệu quả, khi học xong về không bố trí được việc làm. Ngoài ra, việc cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ chưa cao, khi cử đi và sử dụng không khớp với nhau nên về không có việc.
Giao thông nông thôn, miền núi khó khăn
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đặt câu hỏi về việc đi lại khó khăn hạn chế đồng bào phát triển kinh tế xã hội và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. ĐB này nêu: “Rất nhiều xã hiện chưa có đường kiên cố để ô tô có thể đi. Giải pháp đề xuất gì để giải quyết thực trạng trên?”.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, theo luật ngân sách và phân cấp quản lý, Bộ chịu trách nhiệm trước Trung ương và sử dụng ngân sách Trung ương để đầu tư sửa chữa quốc lộ; đường nông thôn trách nhiệm chính lại là địa phương. Thời gian vừa qua, Bộ GT-VT đã thực hiện chương trình từ thiện như cầu treo, tranh thủ nguồn vốn ODA để thực hiện dự án hỗ trợ giao thông nông thôn ở tỉnh khó khăn, tỉnh có đông đồng bào dân tộc.
Trách nhiệm chính đầu tư hệ thống giao thông nông thôn là của địa phương, khó khăn thì có đề án báo cáo Trung ương xin hỗ trợ.
Vừa qua Bộ GT-VT thực hiện phát triển đường giao thông nông thôn kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm.
“Hiện nay các thôn, liên xã, ấp thực hiện tốt. Đường đến trung tâm xã được làm khá tốt, vùng kinh tế lớn, đồng bằng phủ kín tốt hơn, còn vùng miền núi, vùng sâu, xa, sông nước thì ít hơn. Giao thông đi trước một bước, nhưng trách nhiệm gắn liền với địa phương rất nhiều. Đề nghị các tỉnh tập hợp, đề xuất cùng Bộ nếu cần thiết có chương trình mới để Bộ làm chủ đầu tư cho các tỉnh…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Người đứng đầu ngành giao thông, vận tải cũng cho biết, hiện Bộ đang triển khai chương trình hỗ trợ tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc như hỗ trợ xây cầu, đường.
“Nói chung hỗ trợ này chỉ là tiếp sức, còn trách nhiệm chính là chính quyền địa phương. Địa phương nào làm tốt giao thông nông thôn thì đồng bào nhiều địa phương đó tiếp cận xoá đói giảm nghèo bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói./.
Trả lời câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) về bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống dân tộc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm đến vấn đề giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số …được đặc biệt thể hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ để ban hành các quyết định, đề án để thực hiện việc bảo tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số liên quan đến văn hoá vật thể, phi vật thể, các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, liên quan đến các lễ hội về trang phục…
Bộ cũng đã hướng dẫn các địa phương tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc.
Báo cáo trước Uỷ ban TVQH, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, liên quan đến công tác bảo tồn phi vật thể, do mỗi năm lĩnh vực này chỉ được cấp chưa đến 100 tỷ mà gồm rất nhiều hoạt động, kể cả đầu tư phục dựng buôn làng…
“Nguồn lực rất hạn chế nên công tác bảo tồn hiện nay cũng đạt được kết quả khá hạn chế”, Bộ trưởng nói..
Hà Giang