• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam

Giáo dục 11/10/2018 12:21

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi tiếp ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đến chào trước khi kết thúc nhiệm kỳ về nước.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn những đóng góp của ông Youssouf Abdel-Jelil và của UNICEF cho trẻ em Việt Nam trong thời gian qua. Bộ trưởng cũng ghi nhận những đóng góp của UNICEF với giáo dục và đào tạo Việt Nam, thể hiện trên một số lĩnh vực như: giáo dục hòa nhập, thực hiện một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc, hỗ trợ xây dựng những văn bản về giáo dục cho học sinh có nhu cầu đặc biệt, hỗ trợ một số các hoạt động đổi mới giáo dục, hỗ trợ cho giáo dục mầm non…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và ông Youssouf Abdel-Jelil cùng đại diện 2 bên tại buổi tiếp

Ngoài những chương trình phối hợp, hỗ trợ của UNICEF đang triển khai tại Việt Nam, Bộ trưởng đã đưa ra một số đề xuất mà hai bên có thể phối hợp trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị UNICEF phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu cho những học sinh "lớp trũng" gồm học sinh khuyết tật, học sinh miền núi, học sinh bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trên cơ sở đó nắm bắt được nhu cầu của những đối tượng, nhóm học sinh cần được hỗ trợ.

Trước thực trạng còn nhiều trẻ em lứa tuổi mầm non ở các khu công nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, Bộ trưởng đề nghị UNICEF phối hợp, góp ý nhằm xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho trẻ em khu công nghiệp được đến trường.

Bộ trưởng cũng đề nghị UNICEF tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng việc triển khai giáo dục song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số để tăng cường khả năng tiếng Việt tại nhiều địa phương của Việt Nam. Hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi học tiếng mẹ đẻ để trẻ có nền tảng vững chắc tiếp tục theo học những cấp tiếp theo. Đồng thời, tăng cường phối hợp tạo môi trường an toàn cho học sinh, hướng tới một môi trường không bạo lực học đường.

Nhất trí với những nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi, Trưởng đại diện UNICEF, ông Youssouf Abdel-Jelil đã cảm ơn những chỉ đạo và đóng góp quan trọng của Bộ trưởng trong việc cải thiện khung pháp lý về giáo dục để đảm bảo tất cả trẻ em đều được tới trường, được học tập trong một môi trường giáo dục bình đẳng và an toàn.

Ông Youssouf Abdel-Jelil cũng cảm ơn vai trò lãnh đạo của Bộ trưởng trong việc thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào Chương trình đánh giá kết quả học tập học sinh tiểu học các nước khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM). Kết quả ban đầu của cuộc khảo sát thử nghiệm rất ấn tượng và UNICEF rất mong được tiếp tục hợp tác cùng Bộ GD&ĐT trong quá trình triển khai khảo sát chính thức vào năm 2019. Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, Chương trình đánh giá này có thể được xem là "phiên bản PISA" ở cấp tiểu học và sẽ là nền tảng để Việt Nam nêu bật và khẳng định những thành tựu của mình trong sự nghiệp phát triển giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà lưu niệm cho ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF

Ông Youssouf Abdel-Jelil đặc biệt cảm ơn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về những chỉ đạo và cam kết trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhờ đó đã triển khai hiệu quả và hệ thống kế hoạch quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực xây dựng kế hoạch này nhằm giải quyết và thu hẹp các khoảng cách chênh lệch bất bình đẳng còn tồn tại trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.

Ông Youssouf Abdel-Jelil cũng hoan nghênh chủ trương miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Khẳng định việc Việt Nam tham gia vào vào Chương trình đánh giá kết quả học tập học sinh tiểu học các nước khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) là cần thiết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần có những đánh giá trên diện rộng học sinh ở cấp tiểu học, từ đó rút ra kinh nghiệm trong việc ban hành các chính sách về giáo dục và bổ sung, hoàn thiện và phát triển chương trình giáo dục cho học sinh phổ thông ở các cấp cao hơn. Điều này rất cần thiết khi nền giáo dục của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi chương trình giáo dục theo hướng từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phẩm chất, năng lực, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển mới.

Một lần nữa gửi lời cảm ơn tới ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF về những đóng góp cho giáo dục nói riêng và sự phát triển của Việt Nam nói chung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của ông Youssouf Abdel-Jelil và UNICEF cho Việt Nam trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2014-2018, UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho các nhóm trẻ em, không chỉ cho trẻ khuyết tật, mà còn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ngoài nhà trường thông qua các khóa đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng một số chính sách phát triển giáo dục; hỗ trợ việc phát triển mô hình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ; thúc đẩy giáo dục mầm non, nhấn mạnh yếu tố về chất lượng, giáo dục mầm non là một phần quan trọng của chăm sóc, phát triển trẻ thơ toàn diện; giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, giúp nâng cao năng lực ngành giáo dục trong việc theo dõi và ứng phó với ảnh hướng thiên tai đối với giáo dục; hỗ trợ xây dựng Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hỗ trợ công tác xây dựng, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…

NỔI BẬT TRANG CHỦ