(Tổ Quốc) - “Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Vân - tỉnh Quảng Ngãi, trong phiên làm việc sáng nay (6/6) của Quốc hội.
Cụ thể, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã chất vấn Bộ trưởng rằng: " Bộ trưởng từng nói Giáo dục của chúng ta đang trong thời kì quá độ. Vậy chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này và đã tới đoạn nào của quá độ?”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh Quốc hội |
Bộ trưởng Giáo dục khẳng định đổi mới trong lĩnh vực này không thể nóng vội, đây là vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Chúng tôi cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chứ không thể đổi mới ngay được", ông Nhạ nói.
"Chúng ta đang ở đâu? Báo cáo đại biểu là chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới và đạt nhiều hiệu quả. Ví dụ phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học chúng ta làm tốt, được quốc tế đánh giá cao".
Chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên. Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét, Bộ trưởng Giáo dục tự tin trả lời.
Nhân dịp này, Tư lệnh ngành giáo dục cũng bày tỏ rất mong cử tri, nhân dân, các vị đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành, ủng hộ và chờ đợi kết quả của cải cách, đổi mới giáo dục.
Trước đó, khi có 5 phút báo cáo trước Quốc hội trước khi bước vào phần chất vấn của các địa biểu, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng, thời gian qua ngành giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn, khó, cần thời gian mới phát huy được kết quả của đổi mới. Đồng thời thừa nhận rằng bản thân ngành Giáo dục cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận nhân. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Ngay trước thềm phiên chất vấn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm "dậy sóng" dư luận với đề xuất cách gọi "giá dịch vụ đào tạo" thay cho "học phí" trong dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi.
Đánh giá về những kết quả, thành tích cũng như những yếu kém của ngành Giáo dục trong thời gian qua, nhiều cư tri cho rằng: Bên cạnh những điểm sáng thì điểm tối của ngành Giáo dục còn rất nhiều. Chương trình cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Học sinh và phụ huynh “thon thót” trước những quy định mới, những thay đổi “liên tùng tục” của Bộ. Trong khi đó, bản thân các giáo viên đứng lớp cũng mệt mỏi để “chạy theo” những cải cách của ngành….
Có lẽ, điều mà cử tri mong đợi lúc này là Bộ trưởng cần nhìn thẳng vào thực tế những tồn đọng của ngành, để từ đó đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực, chứ đừng lãng phí thời gian và tiền bạc vào đề xuất cách gọi "giá dịch vụ đào tạo" thay cho "học phí".
Vi Phong (T/h)