• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng quyết tâm dẫn dắt ngành Du lịch đi trên chặng đường không còn cô đơn

Thời sự 08/11/2016 12:34

(Tổ Quốc) -Nghị trình của Kỳ họp thứ 2 dành thời gian 3 buổi cho QH bàn thảo về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), ngày 7,8/11 nghe Tờ trình và thảo luận tại tổ và ngày 14/11 thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này.

Chưa bao giờ, ngành du lịch được quan tâm như hiện nay khi chỉ trong vòng vài tháng đầu tiên của Chính phủ mới, liên tiếp trong các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, vấn đề làm thế nào để tạo đột phá cho phát triển ngành được đưa ra.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định quyết tâm dẫn dắt ngành Du lịch đi trên chặng đường không còn cô đơn, không còn là ngôi sao cô đơn (ảnh: Nam Nguyễn)

Đề án “Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị, được hai Phó Thủ tướng trực tiếp chủ trì chỉ đạo. Cùng đó, Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) được trình lên QH xem xét toàn diện, theo đó, sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều.

Được QH phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồi tháng 7,  Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định quyết tâm dẫn dắt ngành Du lịch đi trên chặng đường không còn cô đơn, không còn là ngôi sao cô đơn.

Đường hướng thoát ly khỏi sự đơn độc, được người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định rất rõ ràng, với kinh nghiệm của một người từng là Chủ tịch rồi Bí thư của một trong những địa phương làm du lịch giỏi nhất trong cả nước là Thừa Thiên- Huế.

Tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của QH, cơ quan thẩm tra Dự án luật Du lịch (sửa đổi) diễn ra hồi tháng 10, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói, "ngành Du lịch không thể phát triển tốt và không thể tự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu không có sự tham gia vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và người dân”

Ông dẫn chứng, như liên quan đến chính sách thị thực phải có sự vào cuộc, đồng thuận của ngành Ngoại giao; chính sách thuế, giá phải có ngành Tài chính; vấn đề an ninh trật tự (chèo kéo khách, lừa đảo, cướp giật…) cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Công an và chính quyền các địa phương; “mở cửa bầu trời” cần đến sự nhiệt tình của ngành Giao thông vận tải… “Du lịch muốn phát triển cần có cả xã hội tham gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Còn tại các cuộc họp trong ngành, ông thường động viên, “thay đổi hình ảnh để ngày càng tốt đẹp lên luôn là công việc vô vàn khó khăn. Nhưng không còn cách nào khác, ngành du lịch phải tự mình đổi mới mình và luôn tiến lên phía trước”.

Việc tự mình phải đổi mới mình, có thể làm ngay được là lập tức cải thiện tình trạng      kết hợp giữa du lịch với thể thao và văn hóa hiện là rất mờ nhạt. Bộ trưởng Thiện nêu ra các sự kiện như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, HCB tại Olympic Rio 2016, phá kỷ lục Olympic là sự kiện lịch sử. Chỉ trong tích tắc sau phát súng của Hoàng Xuân Vinh, hàng tỉ người trên thế giới biết đến Việt Nam. Hay sau mỗi lần tên Ánh Viên được xướng lên sau khi tranh tài ở đường đua xanh, hai tiếng Việt Nam lại được cất lên.

“Lẽ ra đây phải là cơ hội để quảng bá cho Việt Nam và ngành du lịch phải tận dụng được”, ông nói, “biết biến các sự kiện này thành cơ hội còn hiệu quả hơn nhiều việc ngành du lịch vất vả bỏ ra hàng chục tỉ đồng mỗi năm đi làm xúc tiến ở nước ngoài”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu: “Làm sao để tất cả khách du lịch trong và ngoài nước đều được chào đón bằng những nụ cười thân thiện" (ảnh: Nam Nguyễn)

Muốn không cô đơn thì luôn mỉm cười và người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh yêu cầu, “làm sao để tất cả khách du lịch trong và ngoài nước đều được chào đón bằng những nụ cười thân thiện và hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất tại Việt Nam. Không có lý do gì để chúng ta không thực hiện được điều giản dị đó”

Muốn không cô đơn thì cũng còn “phải luôn có tinh thần cầu thị và nhìn thẳng vào sự thật và không ru ngủ mình bằng những việc tốt đã làm được”, ông nói, “sự quan tâm của giới truyền thông và người dân tới ngành du lịch thời gian vừa qua cả mặt tốt lẫn mặt xấu, cả ca ngợi và phê bình, tất cả đều vô cùng đáng quý. Qua đó, cả xã hội biết chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì”

Gần 10 năm trước, năm 2008, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội cho Thừa Thiên Huế, Bộ trường Nguyễn Ngọc Thiện, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh xác định “từ nay du lịch sẽ là mũi nhọn tạo sức bật cho Thừa Thiên Huế”.

Giờ đây, khi trình QH cho sửa đổi Luật Du lịch, ông bày tỏ mong muốn, “tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”./.

Nhìn nhận “ngành du lịch đang bước vào giai đoạn đặc biệt”, Bộ trưởng Thiện đang thể hiện những quyết tâm cao nhất thực hiện những điều mà ông đã nêu lên trong bài phát biểu tại lễ bàn giao công việc với Bộ trưởng tiền nhiệm Hoàng Tuấn Anh.



Đó là, tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, được đo bằng chất lượng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững thương hiệu và sức cạnh tranh; cải thiện và xây dựng được hình ảnh Du lịch Việt Nam “Chất lượng – An toàn – Thân thiện” với những điểm đến danh tiếng và những thương hiệu du lịch nổi bật đẳng cấp cao. Rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực. Phấn đầu đặt tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 11 – 12% năm, đến năm 2020 đạt 12 – 13 triệu khách quốc tế, 48 – 50 triệu lượt khách nội địa có lưu trú; giải quyết 3 triệu việc làm trong đó 850 ngàn lao động trực tiếp...

Châu Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ