• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh “nợ công tăng nhanh là rất đúng”

Kinh tế 01/11/2016 15:43

(Tổ Quốc) -Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công giai đoạn 2011 – 2015 tăng nhanh với tốc độ 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng  (Ảnh: Hà Giang)


Về kế hoạch tài chính 5 năm, các đại biểu đều thống nhất với đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách, đồng thời đánh giá cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục.

Trong số 27 ý kiến phát biểu, đa số các ý kiến quan tâm tới vấn đề bội chi và nợ công. Các đại biểu đều cho rằng, nợ công tăng nhanh, chưa đảm bảo cân đối chi trả nợ, vay trả nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm và đáng nói là năm sau còn cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, các chỉ số an toàn về nợ công không được đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận vượt mức cho phép. Các đại biểu cũng nêu một số chính sách mà Chính phủ ban hành trong giai đoạn trước có những điểm chưa hợp lý, cần phải chỉnh sửa.

Về chỉ số an toàn nợ công, các ý kiến cơ bản nhất trí với trần nợ công là không quá 65% và nợ Chính phủ không qua 53%..., đề nghị tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để cơ cấu lại theo hướng tăng thu, giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi, cần tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương để các địa phương chủ động, tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách TƯ.

Đại biểu Phùng Đức Tiến bày tỏ lo lắng khi nợ công đã lên đến 64,98%, chỉ cách trần nợ công 0,02%, nợ Chính phủ 53,1% GDP, trong khi ngưỡng chi phép là 50%...

“Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006-2010, dự báo chi trả nợ sẽ tăng cao hơn giai đoạn tới", đại biểu Tiến bày tỏ lo lắng, đồng thời cảnh báo nếu tiếp tục đầu tư như thời gian qua, không ngăn chặn sự dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hệ quả sẽ ngày càng lớn.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Phú Quốc đánh giá kế hoạch dự kiến chi đầu tư cho phát triển từ 25%-26%, chi thường xuyên, chi trả nợ và chi tài trợ 72%, chứng tỏ đã có sự chuyển dịch cơ cấu chi một cách tích cực trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Dù vậy, đại biểu Quốc cũng lưu ý để giảm nợ công thì cần phải tăng thu và giảm chi. Trong đó, nguồn lực tăng thu chính là “Chính phủ phải tạo hành lang thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế phát triển, để người dân mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển kinh tế thay vì gửi tiết kiệm hoặc cất ở nhà”.

Trước những vấn đề đặt ra, nhiều đại biểu nêu ý kiến, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nợ công tăng áp trần là do đầu tư thời gian qua đã quá dàn trải, không đạt hiệu quả.

Vì thế, mục tiêu định hướng đầu tư công giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường, nhất là xử lý sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Ngoài ra, ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên...

Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, ngân sách cần phải chắt chiu để làm sao làm được nhiều việc hiệu quả mà vẫn không tăng khoản nợ, đổ gánh nặng lên ngân sách.

Đại biểu này kiến nghị, đối với những khu vực, những tỉnh mà có thuận lợi về lợi thế đầu tư, có khả năng thu hút đầu tư thì cần phải phải mạnh dạn đầu tư nguồn vốn vào các khu vực này để giảm bớt tối đa nguồn ngân sách phải bỏ ra.

Cạnh đó, đối với các tỉnh, khu vực gặp nhiều khó khăn (Tây Nguyên, Tây bắc, Tây Nam Bộ), dành ưu tiên nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh để góp phần phát triển chung nền kinh tế đất nước cũng như phát triển an sinh xã hội.

Đầu tư trung hạn là vấn đề không đơn giản

Trong phần giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh. Cụ thể, nhìn lại giai đoạn 2001, nợ công là 36,5%, năm 2005: nợ công là 40,8%, 2010: 50%, 2015: 62,2%. Cùng với đó, áp lực trả nợ lớn và phải thực hiện đảo nợ hằng năm.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình (Ảnh: Hà Giang)


Bộ trưởng Tài chính khẳng định “Nhận định về nợ công tăng nhanh là rất đúng”, đồng thời cho rằng, nguyên nhân gây ra nợ công tăng nhanh là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, GDP cũng không đạt tỷ lệ đặt ra. Cùng với đó, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… không đạt yêu cầu.

“Trong khi đó, 5 năm qua chúng ta điều chỉnh chính sách giảm thu để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, giá dầu thô giảm, cam kết hội nhập quốc tế cũng giảm...Chính phủ đã trình Quốc hội tăng tỷ lệ bội chi hàng năm để tăng cường đầu tư phát triển. Dự toán năm 2011-2015, bội chi 872.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện hơn 1 triệu tỷ đồng. Do vậy, riêng về nợ công (số tuyệt đối) tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng. Nói nợ công tăng nhanh là hoàn toàn đúng”, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh.

Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách cũng như các chính sách theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công. Ngoài ra, từng bước tái cơ cấu nợ công, cụ thể là đẩy mạnh nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài…Đây cũng là kiến nghị của đa số các đại biểu trong buổi thảo luận sáng nay.

Hiện, cơ cấu vay nợ trong nước đang ở mức đã trên 57% và nợ nước ngoài còn 43%. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cũng sẽ tái cơ cấu kỳ hạn, lãi suất của các khoản nợ công.

Riêng về  kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 -2020 và định hướng huy động sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, trong sáng nay, nhiều đại biểu đề nghị cần lường trước những tác động đến thu chi ngân sách Nhà nước...

Về thu, một số ý kiến đề nghị tránh vận hành các chính sách làm giảm thu, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, trong đó đề nghị sớm sửa đổi một số luật thuế để đáp ứng yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm, và đề nghị chú trọng một số nguồn thu như: thu từ lợi tức lợi nhuận của các DNNN...

Về chi, các đại biểu đề nghị rà soát lại các chi tiết chi, cần giảm phương tiện chi phù hợp với khả năng thu, đồng thời sửa đổi các chính sách lạc hậu, bất hợp lý, chú trọng chi cho xoá đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, dân tộc thiểu số...

Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngân sách có hạn, khả năng huy động các nguồn lực khó nên đây là vấn đề không dễ dàng.

“Từ trước đến nay tồn tại 2 quan điểm ngược chiều nhau. Một bên là cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực, địa phương có tính động lực, có tính đầu tàu để thúc đẩy phát triển nhanh hơn nhưng những địa phương khó khăn cũng cần quan tâm để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển. Đấy là nhu cầu lớn trong khi khả năng rất hạn hẹp”, Bộ trưởng Dũng nói./.

Hà Giang


 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ