(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, sáng 8/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
Trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tạo được chuyển biến tích cực
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2022, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn; thể chế, cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực ngày càng được hoàn thiện, khắc phục được nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng.
Công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, gắn với quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở, nhất là triển khai quy định mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Bộ trưởng cho biết đã điều tra, khám phá 35.438 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%; triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tạo được chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là: Tội phạm giết người tăng 13,17%, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, xảy ra một số vụ giết người thân (tăng 4,83%), giết nhiều người.
Lực lượng cũng phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp.
Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần...
“Đáng chú ý là có sự chuyển hướng rõ rệt của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống qua đường mòn, lối mở sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động; tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương” – Đại tướng Tô Lâm cho biết.
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (tăng 143,98% về số vụ) và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn.
Sẵn sàng triển khai việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự
Về kết quả thực hiện thực hiện quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1172/QĐ-TTg ngày 11/9/2019 phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Liên ngành đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 1/2/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ Công an và các bộ, ngành đã phối hợp triển khai nhiều công việc, trong đó đã thực hiện thí điểm tại 5 đơn vị, địa phương.
Bộ Công an đã phê duyệt dự án “Kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự”; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”...
Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực triển khai việc mua sắm thiết bị ghi âm, ghi hình để tổ chức thực hiện theo quy định.