(Tổ Quốc) - “Bộ trưởng nói về cuộc cách mạng 4.0, hiệu trưởng nói về trường đại học 4.0 nhưng giáo viên chúng tôi hiện nay vẫn phân vân không biết cách mạng 4.0 là gì?”.
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chiều ngày 13/4, một giảng viên của trường đã đặt câu hỏi như vậy.
Trả lời câu hỏi này, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về bản chất là kết nối vạn vật dựa trên nền tảng của phát triển công nghệ thông tin. Đây là xu hướng phát triển của thế giới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM |
Để thích ứng với cuộc cách mạng này, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động trong đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa…
“Các trường phải quy hoạch lại ngành nghề, xây dựng chương trình chuẩn, nghiên cứu rõ xu hướng phát triển nhiều ngành nghề mới, quy hoạch lại các ngành nghề hiện có. Trong cuộc cách mạng này, một số ngành mới sẽ ra đời và một số ngành sẽ không còn. Các trường cần có chiến lược để thích ứng. Chúng ta bám sát xu hướng phát triển của thế giới, các thầy cô phải xem cuộc cách mạng này như một cơ hội, nắm bắt nhanh nhưng phải chắc chắn”- ông Nhạ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhạ, điều trăn trở nhất của Bộ hiện nay là yêu cầu đối với sinh viên sư phạm ra trường phải xuất sắc mới đảm đương tốt được nhiệm vụ đứng lớp nhưng nhiều sinh viên hiện nay có tư tưởng không vào trường "nóng" mới vào trường sư phạm truyền thống. Đặc biệt, nhiều sinh viên học sư phạm để được miễn học phí nhưng ra trường lại đi làm việc khác.
Lưu ý với lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Nhạ cho rằng đối với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, trường cần dựa vào nhu cầu thị trường, đặc biệt là cách mạng 4.0, bám sát nhu cầu doanh nghiệp để đáp ứng. Với nhóm ngành sư phạm kỹ thuật cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó lưu ý nâng cao năng lực thực tiễn của giảng viên.
“Giáo viên dạy nghề phải có năng lực thực hành hơn là bằng cấp. Một thạc sĩ có thực hành tốt đào tạo ra những sinh viên nghề giỏi sẽ tốt hơn một tiến sĩ mà không có thực hành" - ông Nhạ chia sẻ.
- Lê Huyền