(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường bất động sản. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời...
Tiếp tục buổi chất vấn chiều nay (4/6), đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu bất cập khi giá bất động sản gấp 25 lần thu nhập bình quân người dân, đang là thách thức trong giải quyết nỗ lực giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Ông đặt câu hỏi: "Bộ trưởng nhận thức vấn đề trên thế nào và giải pháp ra sao?",
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường bất động sản, tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời... Ngoài ra, tính minh bạch trong các dự án bất động sản cũng chưa được đảm bảo.
Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng các địa phương vẫn chưa thực sự để tâm đến thị trường bất động sản, chưa kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa.
"Việc phê duyệt nhiều dự án không phù hợp yêu cầu thị trường, chủ yếu là ở phân khúc cao cấp chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Chưa có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội", Bộ trưởng lý giải.
Tiếp tục trả lời chất vấn về giá bất động sản và nguy cơ rủi ro của thị trường, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.
Ngoài ra, nguồn lực tài chính cho bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ. Các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian.
"Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản", ông Hà nói.
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng. Cùng với đó là phải tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.