(Tổ Quốc) - Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kèm theo mưa sẽ khiến các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản có nguy cơ gia tăng, ngày 11/6, Bộ Y tế đã triển khai Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, phải chủ động phòng chống dịch chứ không đợi dịch xảy ra mới đi dập. Muốn công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai có hiệu quả thì truyền thông phải đi trước một bước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cho rằng, truyền thông thời gian qua thay vì hướng dẫn người dân làm thế nào đừng mắc bệnh thì lại đi làm về tình hình các ca bệnh có tăng, dịch bệnh này có tăng hơn so với những năm trước. Trong khi, người dân muốn tìm hiểu những kiến thức để phòng bệnh thì lại không có. Các chương trình thời sự, truyền hình đều quay ở các giường bệnh tức là lúc đó sự việc đã xảy ra rồi.
"Thứ hai là công tác điều trị phải được quan tâm. Nếu các nhà lâm sàng không sàng lọc và phân loại bệnh thì đau đầu, sốt cũng vào tuyến trung ương. Nhiều bệnh nhân đang nghi bị sốt xuất huyết độ 1, độ 2 cũng vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, Nhi Trung ương, khiến các bệnh viện quá tải trầm trọng" – Bộ trưởng Tiến nói.
Về vấn đề này bác sĩ khoa Nhi và khoa Lây phải đề cao trách nhiệm nghề nhiệp. Bởi, tổng số bác sĩ của một bệnh viện chỉ có giới hạn nhưng nếu tiếp nhận cả bệnh nhân nặng và nhẹ thì dẫn đến một thực trạng thay vì điều trị cho 20 cháu bệnh nặng lại đi điều trị cho cả 500 bệnh nhân cả nặng cả nhẹ, điều này dẫn tỉ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện dài, chẩn đoán nhầm lẫn bỏ sót.
Bộ trưởng Tiến khẳng định: "Nếu bệnh nhân bị nhẹ thì phải chuyển xuống bệnh viện tuyến quận, huyện thậm chí theo dõi ở nhà, khám trong ngày. Đã có quá nhiều bài học từ các năm trước, bệnh viện đã không có chỗ mà bệnh nhân cứ nằm la liệt không kể bị nặng hay nhẹ. Điều này gây quá tải và đẩy áp lực lớn lên ngành y và chính các bệnh viện".
Bài học đau đớn ở dịch sởi năm 2014 là lây nhiễm chéo, khi bệnh viện quá đông, cháu bị viêm đường hô hấp vào nằm cạnh cháu bị tay chân miệng lại lây thêm bệnh tay chân miệng, bị tay chân miệng vào bệnh viện thì lại lây viêm màng não…
Trong một Hội nghị mới đây của ngành y để đánh giá các chỉ số hài lòng tại các bệnh viện, có những tiêu chí tỉ lệ hài lòng đạt đến 80% nhưng cũng có những tiêu chí đạt tỉ lệ thấp như cơ sở vật chất nhếch nhác. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế phân tích: "Khi bệnh viện quá đông thì làm sao mà sạch được".
Để công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai tốt, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp. Cụ thể, đối với bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu "Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết".
Để phòng chống bệnh tay chân miệng, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh…
Ngoài ra, các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.