(Tổ Quốc) - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng báo VnExpress và các đơn vị có liên quan đã phát động chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam mang tên "Chiến dịch Tin".
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm hoan nghênh sáng kiến Chiến dịch Tin, chủ đề Anti Fake News (chống tin giả) với mục tiêu xây dựng không gian mạng tích cực cho hơn 80 triệu người Việt đang sử dụng Internet hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến động đồng. Song song, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật.
"Thực trạng tin giả có thêm nhiều diễn biến mới và không thể ngồi chờ đợi mà phải có niềm tin vào những người có ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội. Về phía các cơ quan quản lý, hàng ngày họ đối mặt và xử lý nhiều vấn đề trên không gian mạng để bảo vệ và giúp người dân có một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh. Chúng tôi nhận thấy việc này không nên làm một mình và không có lý do gì cơ quan nhà nước làm một mình mà phải huy động nguồn lực tiến bộ, những năng lượng tích cực từ các nhà sáng tạo nội dung", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, hiện các nhà mạng xuyên biên giới chuyển đổi sang mô hình thu tiền người dùng để không phải xem quảng cáo cho thấy tín hiệu tích cực việc chống tin giả, tin xấu độc. Những nhà sáng tạo nội dung muốn thu được tiền cũng cần phải thay đổi quan điểm phục vụ. Trong đó, họ sẽ phát huy trách nhiệm xã hội và đồng hành với cơ quan nhà nước để lan tỏa giá trị tốt đẹp, chính sách đến người dân theo cách phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Thanh Lâm kỳ vọng Chiến dịch Tin là sân chơi lành mạnh, khuyến khích nhiều người có thể sáng tạo ra những nội dung tích cực mang lại giá trị chung cho cộng đồng.
Với thông điệp "Tin trên mạng, tin cho đúng", mục tiêu của Chiến dịch là cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng.
Tại sự kiện, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, tên gọi "Tin" vừa có ý nghĩa là tin tức, thông tin hàng ngày được sản xuất trên Internet, vừa có ý nghĩa là niềm tin, là sự tin tưởng.
"Chiến dịch Tin" kỳ vọng tạo nên một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng Internet tại Việt Nam có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực, đem lại giá trị cho cộng đồng; tôn vinh những người làm trong lĩnh vực truyền thông và các nhà sáng tạo nội dung và tạo không gian gặp gỡ cho những người tham gia vào quá trình xuất bản thông tin trên không gian mạng có thể chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và đạo đức làm nghề”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Với sự góp mặt của nhiều cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội, “Chiến dịch Tin” kỳ vọng tạo nên một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng Internet tại Việt Nam có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực, đem lại giá trị cho cộng đồng; tôn vinh những người làm trong lĩnh vực truyền thông và các nhà sáng tạo nội dung và tạo không gian gặp gỡ cho những người tham gia vào quá trình xuất bản thông tin trên không gian mạng có thể chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và đạo đức làm nghề.
Trả lời câu hỏi tại sao chọn TikTok, nền tảng mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành một kết luận kiểm tra vô cùng nghiêm khắc để phối thực hiện chiến dịch chống tin giả, ông Lê Quang Tự Do cho biết, các nền tảng khi vào Việt Nam, kiếm tiền từ người dân Việt Nam, hoạt động kinh doanh, thu lợi nhuận thì phải có trách nhiệm đóng góp lại cho cộng động.
"Đóng góp đầu tiên là phải góp phần làm trong sạch không gian mạng, làm những điều có ích mà mình được hưởng lợi từ đó. Trong chuỗi hoạt động truyền thông này cũng chính là điều trong kết luận kiểm tra mà TikTok đang thực hiện cam kết tuân thủ pháp luật và đóng góp cho cộng đồng", ông Lê Quang Tự Do cho hay.
"Chiến dịch Tin" được bắt đầu triển khai từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2023 bao gồm các hoạt động chính:
1. Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News":
Cuộc thi được tổ chức từ 2/10 đến 28/10 năm 2023. Với tổng giá trị giải thưởng lên tới 150 triệu đồng, cuộc thi là sân chơi dành cho mọi đối tượng có thể sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok nhằm hướng đến mục tiêu tuyên truyền phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Để tham gia, người dự thi cần đăng video tối thiểu 15 giây ở chế độ công khai kèm hashtag #AntiFakeNews #tin trên nền tảng TikTok.
2. Chương trình Tinternet - Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam
Chương trình dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 2023. Đây là chặng cuối của "Chiến dịch Tin" trong năm 2023 với các hoạt động chính bao gồm: Khu gian hàng với các minigame liên quan đến chủ đề của chương trình; Hội thảo "Tin nên tin" có sự góp mặt và chia sẻ đến từ các chuyên gia truyền thông, các nền tảng trực tuyến và những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng; Lễ trao giải cuộc thi "Anti Fake News" cùng những phần trình diễn, giao lưu của các nghệ sĩ khách mời.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình triển khai Chiến dịch, hoạt động truyền thông bao gồm các tin bài, video cũng được thực hiện và chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng trực tuyến, nhằm góp phần đưa thông tin và thông điệp của chương trình tới đông đảo công chúng tại Việt Nam.