(Tổ Quốc) - Sáng ngày 14/3, tại khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch: "Xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Tham dự buổi lễ có đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An; đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Về phía Bộ VHTTDL, tham dự buổi Lễ còn có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt.
Đặc biệt, Ngành VHTTDL vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính
Trước khi bước vào buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu đoàn đại biểu vào dâng hương, dâng hoa trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Kim Liên, Nam Đàn.
Buổi lễ nhằm phát động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa, phát triển nguồn nhân lực Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ thuộc chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhìn lại năm 2021, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều chương trình văn hóa, thể thao phải hoãn, hủy, hoạt động du lịch "gần như đóng băng", đời sống của nhiều viên chức, người lao động ngành văn hoá, thể thao, du lịch gặp nhiều khó khăn. Song với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tập trung triển khai chủ đề công tác năm 2021 "Năm xây dựng thể chế, chính sách", tạo nền tảng cho quá trình đổi mới tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa" theo tinh thần "kiến tạo" thông qua các công cụ pháp luật.
"Công tác phối hợp với các Ban, bộ, ngành Trung ương, với các địa phương được chú trọng hơn, triển khai thực hiện một cách thực chất. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc bước đầu tiếp tục được phát huy, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng, nhân lên từ "sức mạnh mềm" của văn hóa. Các hoạt động thể thao, du lịch nội địa, thí điểm mở lại thị trường khách quốc tế từng bước được khôi phục, phát triển phù hợp với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Về kế hoạch sắp tới, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông tin, bước sang năm 2022, gắn với việc tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, toàn Ngành cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Trên tinh thần ấy, Bộ lựa chọn chủ đề công tác năm 2022 là "Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", trong đó môi trường văn hóa là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển. Xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa… cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Về công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu bốn mục tiêu, một là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ.
Hai là, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, cải thiện chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật.
Ba là, Nâng cao chất lượng hoạt động thể thao quần chúng góp phần phát huy nhân tố con người; tăng cường, bảo vệ sức khỏe cá nhân, cộng đồng và xã hội; thu hút mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Bốn là, Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo hướng thực chất, phát huy giá trị văn hóa của vùng, miền đa dạng nhưng nằm trong tính thống nhất của nội hàm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu 3 nhiệm vụ cụ thể, một là, thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; các chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức cán bộ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Đảng, Nhà nước thuộc phạm vi quản lý Ngành VHTTDL.
Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy Ngành VHTTDL theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng và khát vọng cống hiến. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực quản lý, nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
"Khi nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi gia đình, mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa. Đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa", Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhận định.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ, việc bảo tồn, gìn giữ truyền thống văn hóa và xây môi trường văn hóa cơ sở gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển danh xưng Nghệ An. Vùng đất đã trải qua bao thăng trầm, biến động với những giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Nghệ vẫn mãi trường tồn và phát triển xuyên suốt theo thời gian. Truyền thống yêu nước, hiếu học, đoàn kết đấu tranh cách mạng đã làm nên bản sắc văn hóa con người xứ Nghệ.
"Chính truyền thống ấy là nền tảng, động lực, góp phần tạo nên một Nghệ An hôm nay khởi sắc với hơn 3.000 di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, tạo được những bước chuyển lớn về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân", đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết.
Về chương trình thực hiện thông điệp, hưởng ứng chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và Công tác tổ chức cán bộ" của ngành VHTTDL, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới, đặc biệt là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực và đẩy nhanh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát triển Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có chất lượng, chiều sâu, bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc gắn với thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Cùng với đó là quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ công chức làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo số lượng và chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là: Thứ nhất, phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam phát triển toàn diện. Mỗi địa phương, cộng đồng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai là đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, nếp sống, lối sống cho mỗi người. Kế thừa giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
Thứ ba là gắn các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và giai tầng xã hội.
Nhiệm vụ thứ tư mà Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các cấp, các ngành. Trước mắt để tạo đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, ngành Văn hóa phải chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình mới về việc cưới, tang, lễ hội theo hướng văn minh, tiết kiệm, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại…
"Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại cơ quan, đơn vị và gia đình" - Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Nhiệm vụ cuối cùng mà Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đó là, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới cần phải tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm công tác văn hóa, khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở trung ương và địa phương.
Các hoạt động trọng tâm sắp tới như, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần III năm 2022 lồng ghép triển khai chủ đề năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại Kon Tum; Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III- 2022 lồng ghép triển khai chủ đề năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại TP. Cần Thơ; Hội diễn Tiếng hát công nhân lao động năm 2022 tại Bắc Ninh; Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Báo Văn Hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức trao giải thưởng "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh năm 2022", tại Hà Nội, tháng 11.2022.
Vụ Gia đình chủ trì, tổ chức triển khai nhiệm vụ về xây dựng đời sống văn hóa, gia đình hạnh phúc cho công nhân lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, tại tỉnh Hải Dương. Tổ chức hoạt động truyền thông trong các dịp Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6; Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25.11. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tác hại của các tệ nạn xã hội đối với gia đình và các biện pháp hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Vụ Văn hóa dân tộc xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: dân tộc Mông, Thôn Hóa Chéo Phìn, xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Xây dựng mô hình điểm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng di dân tái định cư thủy điện: dân tộc Ba Na, thôn Kon Pao Kla, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Tập huấn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
Tổng cục Thể dục thể thao chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; kết hợp đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cơ sở, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân với việc tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp. Tăng cường khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao dân tộc, thể thao quần chúng trong các lễ hội, các ngày hội văn hoá, hội thi thể thao đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó có chương trình đầu tư về xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào thể dục, thể thao ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tiếp tục phổ biến xây dựng mô hình câu lạc bộ thể dục, thể thao cơ sở; mô hình điểm về phát triển thể dục, thể thao quần chúng phù hợp với từng vùng, miền. Tăng cường công tác giáo dục văn hóa, đạo đức nghề nghiệp cho vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ làm công tác thể dục thể thao.
Cục Di sản văn hóa phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các địa phương.
Cục Điện ảnh tổ chức các tuần phim, đợt phim, ngày phim phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Vụ Thư viện chỉ đạo hệ thống thư viện cơ sở tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến tài nguyên thông tin và thu hút người dân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thư viện. Tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức hoạt động, dịch vụ thư viện cho trẻ em và lớp tập huấn về chuyển đổi số cho người làm công tác thư viện trong hệ thống thư viện công cộng. Phối hợp triển khai nhiệm vụ "Hỗ trợ xây dựng tủ sách tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi.