(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty du lịch, nhất là chấn chỉnh tình trạng việc hướng dẫn viên du lịch tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật về lịch sử, đất nước Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: dulichsaigon.edu.vn)
Để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 2583/BVHTTDL-TCDL ngày 06/7/2016; Công văn số 3142/BVHTTDL-TTr ngày 12/8/2016 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 798/TCDL-LH ngày 01/8/2016 yêu cầu các địa phương trên cả nước tăng cường quản lý các thị trường du lịch trọng điểm, trong đó có thị trường khách Trung Quốc; Công văn số 111/TCDL-LH ngày 09/02/2017 về sử dụng phiên dịch hỗ trợ hướng dẫn viên trong công tác giới thiệu và phục vụ khách theo chương trình du lịch; đồng thời ban hành Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 triển khai đồng loạt trên cả nước kế hoạch tăng cường công tác quản lý chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch.
Tại một số địa phương trọng điểm tập trung nhiều khách du lịch Trung Quốc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang)... có hiện tượng một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và đối tác Trung Quốc sử dụng người Trung Quốc để tham gia hỗ trợ cho các đoàn khách Trung Quốc trong thời gian tham quan du lịch tại Việt Nam. Các đối tượng Trung Quốc này đã lợi dụng việc hỗ trợ khách để núp bóng hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trái phép tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội và có những lời giải thích, thông tin sai lệch về văn hóa, lịch sử, chủ quyền biển đảo của nước ta (cụ thể ở Tp. Đà Nẵng).
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ VHTTDL đã trực tiếp tổ chức buổi làm việc với UBND và các cơ quan chuyên môn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng để đề ra biện pháp tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến. Bên cạnh đó chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý tour du lịch giá rẻ, hướng dẫn các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên du lịch, phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch tại các tỉnh/thành phố, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Thanh tra Bộ VHTTDL đã phối hợp với thanh tra chuyên ngành ở các địa phương kiểm tra trên 120 công ty và chi nhánh công ty kinh doanh lữ hành quốc tế tại một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang; đã xử lý và thu hồi 07 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tước 30 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, dừng hoạt động 143 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; phát hiện và lập biên bản, lập hồ sơ chuyển vụ việc có yếu tố nước ngoài cho cơ quan công an xử lý vi phạm, buộc xuất cảnh đối với 50 người nước ngoài hành nghề trái phép trong lĩnh vực du lịch.
Đến nay tình trạng núp bóng để hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép và việc sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch đã hạn chế và có chuyển biến tích cực. Hoạt động kinh doanh lữ hành đang từng bước đi vào ổn định.