• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ VHTTDL duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các phim có nội dung ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam

Văn hoá 05/04/2024 20:10

(Tổ Quốc) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, kết hợp với việc thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim theo đúng quy định của pháp luật; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hậu kiểm nội dung, kết quả phân loại phim, hiển thị cảnh báo đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ VHTTDL duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các phim có nội dung ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam - Ảnh 1.

Một bộ phim bị gỡ bỏ nền tảng truyền hình cung cấp theo hình thức xuyên biên giới do đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. (Hình minh họa)

Xử lý nghiêm các phim có nội dung ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 1116/VPCP-QHĐP ngày 21 tháng 02 năm 2024.

Theo đó, cử tri đề nghị nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ lưỡng trong việc tổ chức thẩm định và cấp phép phim nước ngoài được chiếu trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, thực tế có bộ phim có nội dung, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, an ninh chủ quyền quốc gia…

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh, "Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định" và Điều 12 Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh quy định về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng, theo đó, chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng chỉ được phổ biến phim có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim phải được phân loại theo quy định hoặc phải được các chủ thể đủ điều kiện tự phân loại trước khi phổ biến; chủ thể phổ biến phim phải thực hiện thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Điện ảnh, "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật".

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 923/QĐ-BVHTTDL ngày 11/4/2023 về việc thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Một trong các nhiệm vụ thường xuyên của Tổ là thực hiện kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Kết quả là trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim vi phạm pháp luật, có nội dung, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam của các chủ thể, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm liên quan đến các phim "MH370: Chiếc máy bay mất tích" (03 tập), "Hướng gió mà đi" (39 tập); yêu cầu báo cáo thông tin phản ánh phim "Tình yêu 199 - Muốn mãi mãi yêu"…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, kết hợp với việc thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim theo đúng quy định của pháp luật; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hậu kiểm nội dung, kết quả phân loại phim, hiển thị cảnh báo đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội

Cũng trong thời gian mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Theo cử tri tỉnh này, hiện nay trên các mạng xã hội có không ít nghệ sĩ thực hiện quảng cáo sai sự thật, nhiều trường hợp người dân đã bỏ tiền ra mua sản phẩm do nghệ sĩ mình yêu thích giới thiệu nhưng sau đó sử dụng không hiệu quả như đã quảng cáo.

Cử tri cho rằng đây là hành vi lừa đảo, đề nghị cần có sự quản lý chặt chẽ hơn, kiểm tra, xử phạt các trường hợp nghệ sĩ, người có ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật để bảo vệ quyền lợi của công chúng.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc xử lý hành vi vi phạm về quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã được quy định tại khoản 5 Điều 34, khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, và được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố, thanh tra chuyên ngành: văn hoá, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông...) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo; đồng thời, hướng dẫn các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên bảng, băng-rôn quảng cáo ngoài trời; yêu cầu các cơ quan, đơn vị khối Nhà hát thuộc Bộ quán triệt các nghệ sỹ, diễn viên thuộc đơn vị quản lý thực hiện nghiêm quy định pháp luật khi tham gia hoạt động quảng cáo, đặc biệt là đối với các nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, tác dụng, hiệu quả của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Quảng cáo nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội.

Dự kiến trình dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Theo đó, cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam; sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Trả lời cử tri, đối với nội dung kiến nghị ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trực tiếp phụ trách 5/12 lĩnh vực (gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa; quảng cáo), 7/12 lĩnh vực còn lại (gồm: kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh) do các Bộ chuyên ngành quản lý.

Với xu thế hướng đến các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng có nhiều chất liệu để sáng tạo và tôn vinh văn hóa Việt; đặc biệt các lĩnh vực cần có "dư địa" lớn, tiềm năng trở thành các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để phát huy được tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hoá, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hoá, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Việt Nam với đặc điểm dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với các xu hướng mới trên thế giới, do vậy các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển phải đáp ứng yêu cầu về tiềm năng phát triển dài hạn, có chất liệu sáng tạo dồi dào dựa trên giá trị văn hóa, vị thế tầm chiến lược gắn với 2 sự phát triển của thời đại. Các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 bao gồm: (1) điện ảnh, (2) nghệ thuật biểu diễn, (3) du lịch văn hóa, (4) thủ công mỹ nghệ, (5) phần mềm và trò chơi giải trí, (6) thiết kế (những lĩnh vực còn lại vẫn được tiếp tục đầu tư phát triển đồng thời để phát huy hiệu quả tính liên kết giữa các ngành công nghiệp văn hóa).

Với quan điểm chỉ đạo "ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam", Kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa (diễn ra vào tháng 12/2023), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa tham mưu Chính phủ ban hành "Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", dự kiến trình Chính phủ trong tháng 3/2024; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành mới "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045" nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12/2024.

Về nội dung kiến nghị việc bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam", theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê chuẩn, đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của toàn ngành, nhất là đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Bảo Trân

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ