(Cinet)- Chiều ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu Nghị định 21/2015 quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác vừa được Chính phủ ban hành.
Quang cảnh buổi Họp báo. |
(Cinet)- Chiều ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu Nghị định 21/2015 quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Nghị định 21/2015 (Nghị định 21) gồm 5 chương, 14 điều quy định về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Đối tượng áp dụng của Nghị định là những tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí phụ thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
So với Nghị định số 61/2002/NĐ-CP, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng và mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và phù hợp với thực tiễn.
Nghị định có bổ sung một số chức danh sáng tạo, thay đổi tên gọi của một số chức danh sáng tạo cho phù hợp với thực tế; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hoá một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu biễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thoả thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sáng tạo.
Ngoài ra, Nghị định 21 còn thêm các chức danh được hưởng chế độ nhuận bút, thù lao để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Như đối với điện ảnh, thêm chế độ cho đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, người làm hóa trang. Còn đối với tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, quy định trước đây việc trả nhuận bút là theo thỏa thuận giữa đôi bên là người chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tính theo giá trị tác phẩm, thì quy định mới ghi rõ tỉ lệ phần trăm nhuận bút đối tượng được hưởng nhưng tính theo giá thành tác phẩm, dễ làm căn cứ tính toán hơn...
Đáng kể nhất là tỉ lệ phần trăm hoặc hệ số để tính nhuận bút cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác trong quy định mới đều tăng hơn trước.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nghị định 21 ra đời đáp ứng mong chờ của giới nghệ sĩ, tạo sự công bằng xứng đáng cho những người sáng tạo nghệ thuật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2015.
Nguyên Hà