(Tổ Quốc) - Chiều ngày 9/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2023. Chủ trì Họp báo có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy; Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt.
Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ VHTTDL.
Tại Họp báo, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã báo cáo những kết quả đạt được của Ngành trong quý III. Theo đó, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp "từ sớm", "từ xa" với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của Ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn, kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả hơn để phát triển văn hóa, đây chính là động lực quan trọng để toàn Ngành không ngừng nỗ lực hơn nữa.
Về công tác xây dựng thể chế: Công tác xây dựng thể chế được coi trọng, Bộ đã chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tham mưu Chính phủ ban hành 03 Nghị định, 01 Nghị quyết. Ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định Chương trình Tổng thể quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025… Đến hết năm 2023, Bộ sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ 11 Nghị định (trong đó có 05 Nghị định quy định chi tiết các Luật) và ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư.
Trong lĩnh vực Văn hóa, gia đình: Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 05 di tích quốc gia đặc biệt đợt 13; công nhận bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022 cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật. Quyết định xếp hạng 19 di tích quốc gia; công bố 55 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ VHTTDL đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn: Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định; Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam - Chủ đề "Việt Nam - Đất nước bên bờ sóng" tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Chương trình chiếu phim Điểm hẹn điện ảnh Pháp; chương trình FLY2023; các cuộc thi nghệ thuật; các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2023; hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023)….
Các hoạt động văn hóa đối ngoại tiếp tục được quan tâm, triển khai hiệu quả: Chương trình văn hóa, nghệ thuật tại Áo, Italia phục vụ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia; Các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới Hoa Kỳ, Brazil; Tuần Văn hóa Việt Nam tại Iran nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Indonesia và Iran… Các chương trình được đầu tư công phu với nhiều điểm mới, sáng tạo góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao: Bộ và ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới"; Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2023 của ngành VHTTDL và triển khai các nội dung, nhiệm vụ về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2021-2030. Phối hợp tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng. Tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 tại Trung Quốc. Đội tuyển thể thao người khuyết tật tham dự giải vô địch Cử tạ người khuyết tật thế giới tại UAE, kết quả VĐV Lê Văn Công giành HCV hạng cân 49kg, VĐV Đặng Thị Linh Phượng đạt 01 HCB và 01 HCĐ.
Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự và thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 03 HCV, 05 HCB, 19HCĐ. Phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 69 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Kết quả tham dự các giải thi đấu quốc tế đạt 69HCV, 48HCB, 25HCĐ. Đến nay, Thể thao Việt Nam có môn Xe đạp và Bắn súng chính thức được tham dự Olympic 2024 tại Pháp...
Trong lĩnh vực du lịch: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4/7/2023 ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023; Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 phê duyệt đề án "Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm". Phối hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực. Bộ VHTTDL đã ban hành các đề án, chiến lược quan trọng trong lĩnh vực du lịch: Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch triển khai đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn"…
Tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023. Phối hợp với các địa phương tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023; Diễn đàn du lịch cấp cao 2023 trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2023; các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nhiều quốc gia.
9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 8,8 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.
Tại họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và đại diện các Cục, Vụ đã giải đáp nhiều vấn đề nóng của ngành.
Cụ thể, đối với lĩnh vực thể thao, giải đáp câu hỏi về việc đội tuyển bóng bàn trẻ bị cắt xén khẩu phần ăn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo quyết liệt, giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng, kịp thời xác minh trách nhiệm. Khi có thông tin sai phạm từ cá nhân, đơn vị nào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đã chỉ đạo Cục TDTT tổng kiểm tra, rà soát lại công tác huấn luyện các đội tuyển để đáp ứng được yêu cầu, quan tâm chăm lo đời sống của HLV, VĐV.
Đối với lĩnh vực du lịch, giải đáp về việc nâng chỉ tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 13 triệu lượt du khách, Bộ VHTTDL khẳng định, việc nâng chỉ tiêu là hoàn toàn khả thi căn cứ trên thực tiễn mùa du lịch của khách nước ngoài đến Việt Nam thường từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó là các chính sách thị thực cởi mở, tính chuyên biệt, hấp dẫn của du lịch di sản của Việt Nam…
Tại họp báo, các vấn đề về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, chi trả tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy chế quản lý nghệ sĩ…cũng được thông tin đến các cơ quan báo chí.
Kết thúc Họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ cảm ơn các cơ quan báo chí đã luôn sát cánh, đồng hành trong công tác tuyên truyền về các hoạt động cho ngành VHTTDL trong thời gian qua, đặc biệt trong những lĩnh vực nóng, nhạy cảm và liên quan trực tiếp đến đời sống như bảo tồn di sản, văn hóa cơ sở, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn...
Chia sẻ những vấn đề thực tiễn mà Bộ VHTTDL đang đối diện trong công tác quản lý, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, Bộ VHTTDL là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của nhân dân. Những năm gần đây, tập thể lãnh đạo Bộ đã chèo lái, cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành VHTTDL nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khía cạnh, lĩnh vực trong công tác quản lý chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Thứ trưởng cho rằng, Bộ VHTTDL luôn đánh giá cao những thông tin mà báo chí phát hiện, phản ánh và phản biện về các lĩnh vực của ngành. Những phát hiện đó đã góp phần tích cực, giúp Bộ trong công tác quản lý, điều hành cũng như xem xét, xử lý cụ thể từng lĩnh vực trên tinh thần xây dựng và phát triển, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành./.