(Tổ Quốc) - Ngày 5/2, Bộ VHTTDL tiếp tục kiểm tra việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra tại một số lễ hội, di tích trọng điểm trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa. Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc dừng, giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người.
- 06.02.2020 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Các địa phương căn cứ tình hình để có biện pháp tạm dừng hoạt động tại di tích
- 04.02.2020 Bộ VHTTDL kiểm tra việc dừng, giảm quy mô lễ hội trong phòng, chống dịch bệnh do virus Corona
- 03.02.2020 Bộ trưởng Bộ VHTTDL gửi Công điện đề nghị dừng tất cả các lễ hội, kể cả đã khai mạc tại các tỉnh công bố dịch
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, ngày 5/2, Bộ VHTTDL tiếp tục kiểm tra thực tế tại một số di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa.
Trực tiếp kiểm tra việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại Hưng Yên, Hà Nam, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, về cơ bản các địa phương đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ VHTTDL về việc dừng, giảm quy mô, thời gian tổ chức Lễ hội, hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người.
Tuy nhiên, bà Ninh Thị Thu Hương lưu ý, không gian tại các di tích, điểm danh lam thắng cảnh là những địa điểm đáng lo ngại khi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế tại một số điểm mà đoàn tiến hành kiểm tra vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, thờ ơ với việc phòng chống dịch bệnh. Tại đền Mẫu (Hưng Yên), chùa Tam Chúc (Hà Nam), đền Lảnh Giang (Hà Nam)... mặc dù đã dừng việc tổ chức lễ hội nhưng vẫn có đông du khách đến hành lễ, trong khi các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh không được thực hiện đầy đủ như hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Theo nhận định của đoàn kiểm tra, các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến như Đền Mẫu (Hưng Yên), chùa Tam Chúc (Hà Nam) mỗi ngày vẫn có khá đông khách thập phương đến hành lễ. Mặc dù BQL di tích đã có biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch trên loa phát thanh nhưng chưa thường xuyên; số lượng bảng thông báo yêu cầu du khách đeo khẩu trang còn ít; nhiều nơi phát khẩu trang miễn phí cho người dân nhưng với lượng du khách quá đông nên không đủ phát, trong khi khẩu trang tại địa phương khan hiếm, không có chỗ để mua...", bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Ngoài ra, còn có tình trạng các đoàn đi lễ, tour du lịch đến di tích nhưng thậm chí hướng dẫn viên, người trong BQL cũng không đeo khẩu trang. Nhiều du khách có đeo khẩu trang nhưng khi làm lễ thì lại bỏ ra. Đây là lúc nguy cơ lây nhiễm virus corona cao bởi tập trung đông người trong không gian chật hẹp.
"Vì vậy, để việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong lễ hội, di tích theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ VHTTDL, việc dừng tổ chức lễ hội, giảm quy mô thời gian tổ chức lễ hội... vẫn chưa đủ. Các địa phương cần căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế để có những giải pháp kiểm soát, tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để tránh tập trung đông người. Bởi chỉ khi thực hiện triệt để được các biện pháp đó mới đạt được yêu cầu đối với phòng chống dịch bệnh...", Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Là một trong ba địa phương công bố có dịch, các biện pháp triển khai phòng chống dịch bệnh tại các di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đánh giá đã sát sao, kịp thời, thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ VHTTDL. Thanh Hóa đã kịp thời ban hành các Công văn, Công điện về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện việc dừng tổ chức; thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý tại các điểm di tích, lễ hội có lưu lượng khách đông.
Đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL do Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Nguyễn Công Trung làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tại một số di tích ở Thanh Hóa như đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (huyện Hà Trung), Đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc)... Nhận định của đoàn kiểm tra cho biết, tại các di tích đã thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VHTTDL về công tác phòng chống dịch bệnh, với các biện pháp như phát thanh trên loa đài; in, phát hành tờ rơi, dựng panô khuyến cáo người dân; chuẩn bị nước rửa tay phục vụ người dân khi vào đền, chùa hành lễ. Chính quyền địa phương thành lập các ban chỉ đạo thường trực 24/24h về phòng chống dịch bệnh....
Tuy nhiên vẫn còn một số biện pháp chưa được triển khai triệt để như việc treo các bảng, biển, pa nô, áp phích tuyên truyền còn thưa. Tại Đền Sòng, không có biển cảnh báo, không phát thanh tuyên truyền, nhiều người dân đến lễ còn chủ quan không đeo khẩu trang. Di tích đền Cô Bơ có biển bảng cảnh báo, tuy nhiên vẫn còn tình trạng viết sớ, bán hàng... Tình trạng bán hàng quán cũng diễn ra tại một số di tích khác như đền Hàn Sơn.
Đoàn kiểm tra Cục Văn hóa cơ sở đề nghị địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch do virus corona, đoàn kiểm tra yêu cầu Thanh Hóa tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân khi đến các di tích về phòng chống dịch. Đề nghị Sở chỉ đạo các giải pháp cụ thể, sát sao hơn đối với các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng không tổ chức các dịch vụ bán hàng tại di tích; không tổ chức tế lễ, tập trung đông người; dừng mọi hoạt động tại các di tích, danh thắng, các hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng quán, viết sớ tại di tích.../.