• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ VHTTDL nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII

Thời sự 21/07/2022 15:48

(Tổ Quốc) - Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL triệu tập hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII với sự tham gia của Ban Chấp hành Đảng uỷ Bộ và cán bộ, đảng viên của các đơn vị thuộc Bộ.

Sáng 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thành phố Hà Nội và 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp.

Bộ VHTTDL nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị ở điểm cầu Diên Hồng, nhà Quốc hội.

Tại điểm cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL triệu tập hội nghị với sự tham gia của Ban Chấp hành Đảng ủy Bộ; Chủ tịch Công đoàn; Bí thư Đoàn Thanh niên; Chủ tịch Hội cựu chiến binh; Cấp trưởng, phó, bí thư, phó bí thư chi bộ (đảng bộ) các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc), bí thư, phó bí thư chi bộ (đảng bộ) các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/7 với 4 chuyên đề tương ứng 4 Nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, là Nghị quyết 18, 19, 20 và Nghị quyết số 21.

Bộ VHTTDL nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII - Ảnh 2.

Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Bộ VHTTDL. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Theo chương trình, tại phiên khai mạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ truyền đạt chuyên đề Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao (tương ứng với Nghị quyết số 18-NQ/TW).

Sau đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Buổi chiều, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ truyền đạt chuyên đề Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW).

Ngày 22/7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai sẽ truyền đạt chuyên đề Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 21-NQ/TW).

Sau đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ kết luận Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp thu ý kiến chỉ đạo và bế mạc Hội nghị.

Bộ VHTTDL nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Nghị quyết số 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" nêu rõ 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Nghị quyết nêu 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó yêu cầu đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết hướng tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Nghị quyết cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp để các Bộ, ngành địa phương các cơ quan liên quan triển khai thực hiện…

Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới nhấn mạnh đến việc đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Nghị quyết nêu rõ, thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Phấn đấu đến năm 2030, hàng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hàng năm trong giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 21 hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đồng thời yêu cầu coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề.

Xuân Trường; Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ