(Tổ Quốc) - Đoàn công tác Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich) sẽ có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh vào ngày 14/12 tới đây.
Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Tại buổi làm việc, Cục văn hóa cơ sở sẽ nghe báo cáo của tỉnh về tình hình thực hiện quy định pháp luật; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội; dự kiến Chương trình, Kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2019 và kiến nghị của địa phương về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Ngoài ra, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh phúc sẽ báo cáo nội dung Đề án đổi mới hình thức tổ chức của Lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); Phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của Lễ hội Đúc bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương); Phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của Lễ hội Đả cầu cướp phết (Đình Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch).
Trước đó, vào tháng 5/2018, Bộ VHTTDL đã ban có Văn bản số 1894/BVHTTDL-VHCS gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu chấn chỉnh một số hiện tượng phản cảm tại các lễ hội ở địa phương. Công văn khẳng định, trong thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển biến tích cực, hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, thiết thực, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, điển hình như: hiện tượng tranh cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (huyện Tam Dương); công tác an toàn cho người tham gia chưa đảm bảo tại lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (huyện Sông Lô).
Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế này. Đối với Lễ hội Đúc Bụt, Bộ yêu cầu nghiên cứu xây dựng phương án chuyển đổi hình thức cướp chiếu manh thành nghi lễ rút chiếu tán lộc; đồng thời có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đối với Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, Bộ chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội phù hợp với nguồn gốc, lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi, mỗi thôn, làng có một trâu tham gia chọi; không tổ chức vòng loại, chỉ tổ chức 01 vòng thi chọi trâu duy nhất vào ngày tổ chức lễ hội; không bán vé thu tiền vào lễ hội.
Bên cạnh đó, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu và có phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý tình huống phát sinh; có phương án kiểm soát và ngăn chặn tiêm chất kích thích cho trâu chọi; ngăn chặn hiện tượng cá cược; đảm bảo vệ sinh môi trường trong lễ hội. Đáng chú ý, phải quy định chặt chẽ trách nhiệm của Ban tổ chức, chủ trâu và người tham gia lễ hội.
Bộ cũng yêu cầu địa phương tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di tích và lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, văn minh tiến bộ; vận động chủ trâu không giết mổ trâu chọi sau trận đấu. Kiểm tra, ngăn chặn ấn phẩm đĩa hình chọi trâu có hình ảnh phản cảm bán cho du khách.
Trong trường hợp không đủ các tài liệu để chứng minh đây là lễ hội truyền thống và việc tổ chức lễ hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng, Bộ đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô.