• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn

Văn hoá 17/02/2017 12:19

(Tổ Quốc) - Sau khi có thông tin cố nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016, nhiều cơ quan báo chí đã nêu vấn đề này với cơ quan chức năng và ngay từ ngày 19.1.2017, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VHTTDL, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Ông Phùng Huy Cẩn trao đổi tại Báo Văn Hóa chiều 16.2.2017

 

Ngày 16.2, trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Phùng Huy Cẩn tiếp tục khẳng định những nội dung mình đã trả lời báo chí từ ngày 19.1.2017 và cung cấp thêm một số thông tin mới.

Báo Văn Hóa xin giới thiệu những nội dung mà Vụ trưởng Vụ TĐ-KT Phùng Huy Cẩn đã trao đổi.

 Thưa ông, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016, số lượng hồ sơ đã được duyệt qua 3 vòng cấp hội đồng tổng cộng là bao nhiêu người, và kết quả hồ sơ được xét tặng ở hai giải thưởng là bao nhiêu?

- Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016 số lượng hồ sơ lọt qua 3 vòng cấp Hội đồng 115 người được trình lên 3 cơ quan nhà nước là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước. Và kết quả danh sách được duyệt chính thức gồm 77 người, bao gồm 10 tác giả được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước.

Có thể nói đây là lần đầu tiên, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT số tác giả được các Hội đồng đề nghị bị loại nhiều như thế.

Về việc chậm trao kinh phí cho người được giải thưởng hoặc danh hiệu: Trao đổi với Báo Văn Hóa chiều 16.2 về việc chậm cấp kinh phí cho những người được trao danh hiệu (NSND, NSƯT; NNND, NNƯT) và được tặng Giải thưởng về văn học nghệ thuật (Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước), ông Phùng Huy Cẩn cho biết: Theo các quy định hiện hành thì sau khi có quyết định của Chủ tịch nước về việc công nhận các danh hiệu hoặc trao tặng các giải thưởng thì các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trao tiền cho các nghệ sĩ, các tác giả thuộc Bộ, ngành và địa phương mình quản lý. Mức được hưởng của các danh hiệu hoặc các giải thưởng cũng đã có quy định cụ thể. Bộ VHTTDL chỉ có trách nhiệm trao kinh phí cho các nghệ sĩ và tác giả thuộc Bộ VHTTDL.Ông Cẩn cũng cho biết: Năm 2016 có hai địa phương là Thừa Thiên Huế và TP.HCM chậm trong việc chi trả, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Vụ TĐ-KT đã ngay lập tức trực tiếp nhắc cơ quan chức năng của hai địa phương này và ngay sau đó các địa phương đã thực hiện việc chi trả cho các nghệ sĩ được công nhận các danh hiệu (xem Báo Văn Hóa số 2773, ra ngày 20.4.2016 và số 2815, ra ngày 27.7.2016).

Khi biết thông tin nhiều hồ sơ bị loại, cá nhân tôi cũng rất buồn. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã mất rất nhiều công sức khi chuẩn bị cho việc xét tặng giải thưởng đợt 5 lần này. Cá nhân tôi và những người được phân công đã thực hiện nghiêm túc và minh bạch, cũng như chịu nhiều sức ép từ các buổi chất vấn tại Hội đồng cấp Nhà nước.

Thưa ông, việc số lượng hồ sơ bị loại nhiều như vậy, có phải do từ cấp cơ sở đã cung cấp hồ sơ không chuẩn nên dẫn tới sự lỏng lẻo trong quy trình từ Hội đồng cấp Cơ sở, hay do Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước đã làm không hết trách nhiệm của mình?

- Tính tới thời điểm này, tôi chưa thấy có đợt xét tặng giải thưởng nào lại đạt được cả về lý và về tình đến như vậy. Tức là ngoài chuyện xét tặng giải thưởng theo đúng quy trình, thì cả 3 hội đồng của 3 vòng xét duyệt giải thưởng đã làm việc rất nghiêm túc, công tâm xét cả về lý và tình.

Tôi có đọc trên hai báo là Vnexpress và báo Tuổi trẻ phân tích về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Bản chất sự việc hai báo đó nói không sai, tuy nhiên có một điều cả hai báo đó không đọc kỹ Nghị định 90 nên đã không hiểu để nói cho đúng. Hai bài báo có nói đến chuyện nhà thơ Xuân Quỳnh, hay các tác giả khác tại Giải thưởng Hồ Chí Minh bị loại ra bởi Hội đồng cấp Nhà nước. Nhưng thực sự quy trình của Nghị định 90 “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học - nghệ thuật xét tặng được thực hiện qua 3 Hội đồng như sau:

- Hội đồng cấp Cơ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tại Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương do Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thành lập.

- Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ VHTTDL thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ dân gian.

- Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Như vậy, Bộ VHTTDL được hiểu là cơ quan thường trực giúp việc cho hai Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước. Sau đó Bộ VHTTDL hoàn thiện hồ sơ, những hồ sơ đạt trên 90% số phiếu được trình lên 3 cơ quan quản lý nhà nước như đã nói ở trên.

Bởi vậy, nói thật chính xác, Bộ VHTTDL không có quyền loại tác giả nào và cũng không có quyền đề cử, bổ sung tác giả nào đó. Còn nói có thể bổ sung hay loại bỏ tác giả nào đó thì chỉ 3 cơ quan quản lý nhà nước mới có thẩm quyền (tức Ban TĐ-KT Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước - P.V).

Theo như ông nói, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm nay đã làm đúng quy trình. 3 vòng Hội đồng đã làm rất nghiêm túc, đạt cả về lý và về tình. Vậy ông có thể chia sẻ nguyên nhân từ đâu có nhiều hồ sơ bị loại, trong đó có trường hợp của nhà thơ Xuân Quỳnh mà dư luận quan tâm? Và đặc biệt là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nêu ra tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL ngày 14.2 gần đây?

- Theo nhận định của cá nhân tôi, thì khúc mắc ở đây chính là tiêu chí giải thưởng.

Trong Nghị định 90 thì tiêu chí thứ 3 dành cho Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật có nêu như sau:

3. Đặc biệt xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đã được tặng Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức.

b) Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

Với Giải thưởng Nhà nước cũng vậy, cũng có tiêu chí đòi hỏi tác phẩm phải có giải thưởng.

Tại cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước, khi nói đến tiêu chí xét tác phẩm phải có giải thưởng, tôi đã trình bày trước hội đồng hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Có những tác phẩm khi ra đời đã tham gia vào các cuộc thi và có giải thưởng. Và cũng có những tác phẩm có giải thưởng nhưng độ lan tỏa, sức sống của nó trong lòng công chúng không nhiều, thậm chí là không có. Khán giả dễ dàng quên tác phẩm đó.

Và cũng có những tác phẩm về hoàn cảnh lịch sử ra đời không tham gia tại các cuộc thi. Ví dụ, một loạt các tác giả lớp trước, đã từng vào sinh ra tử tại hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thậm chí trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới gần đây cũng không tham gia các cuộc thi. Hay những tác phẩm đã thành công từ việc đặt hàng như ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng của nhạc sĩ Trần Tiến, ca khúc Vì một thế giới ngày mai của nhạc sĩ Quang Vinh sáng tác đặt hàng cho SEA Games 22... nhưng độ lan tỏa, sự nổi tiếng và sức sống trong lòng công chúng thì vẫn luôn có, nên đề nghị Hội đồng xem xét. 100% thành viên Hội đồng đã thống nhất biểu quyết đồng ý.

Như vậy, vấn đề ở đây là khi làm Nghị định, các nhà làm luật yêu cầu những người xây dựng nghị định phải đưa ra được tiêu chuẩn vừa có tính thuyết phục như là độ lan tỏa, sức sống của tác phẩm trong lòng công chúng nhưng lại phải có giải thưởng. Và điều này vô hình trung đã “làm khó” cho việc xét tặng giải thưởng, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Tuy nhiên, xét cho đúng, thì hội đồng cũng vẫn chỉ là tư vấn, còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước.

Nói như vậy, nguyên nhân ở đây đối với những trường hợp bị loại là do không có giải thưởng. Đặc biệt là trường hợp của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh bị trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng vì không có giải thưởng?

- Đấy là theo cá nhân tôi nghĩ như vậy. Vì sao tôi lại nói nguyên nhân là do không có giải thưởng, bởi tất cả các trường hợp khi gửi lên 3 cơ quan nhà nước đều đã đạt tới 90% số phiếu của Hội đồng cấp Nhà nước. Có thể nói đây là số phiếu thể hiện sự đồng nhất rất cao. Còn trong văn bản gửi về Bộ VHTTDL không nói rõ nguyên nhân những người không có tên trong danh sách được tặng thưởng mà chỉ ghi: “Chưa xét tặng”.

Với trường hợp của nhà thơ Xuân Quỳnh, theo tôi được hiểu là do không có giải thưởng. Mặc dù những bài thơ của nữ nhà thơ đã được bao thế hệ thuộc, trở thành thơ tình gối đầu giường. Biết bao bài hát đã được phổ nhạc từ thơ của bà đã trở thành những bài hát nổi tiếng, sống mãi với thời gian như: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… hay như hai tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và “Bầu trời trong quả trứng” là một trong số rất nhiều tác phẩm của nhà thơ được đề nghị xét tặng. Hai tập thơ có nội dung tư tưởng phục vụ sự nghiệp cách mạng với một tinh thần lạc quan, vì một ngày mai tươi sáng dù có bị bom đạn tàn phá. Và phải khẳng định rằng nó có giá trị xuất sắc về nghệ thuật.

Thưa ông, trường hợp của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 này, cũng như nhà văn Thu Bồn và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác “chưa xét tặng” gây sự bất ngờ cho giới văn nghệ sĩ, khán giả và cả gia đình. Vậy tới đây Bộ VHTTDL sẽ có kiến nghị gì không ạ?

- Có chứ, sau khi tiến hành lễ trao tặng giải thưởng thì Bộ VHTTDL sẽ có kiến nghị lên Thủ tướng, Chủ tịch nước về những trường hợp “chưa xét tặng”.

Thực sự, Nghị định được hiểu là văn bản quy định pháp luật để điều chỉnh các hành vi trong xã hội. Tuy nhiên, Nghị định chỉ có thể điều chỉnh đến 90% trong quá trình thực hiện chứ không thể điều chỉnh 100%. Nên nếu hỏi, nghị định có sai sót gì nghiêm trọng để ảnh hưởng tới giải thưởng hay không thì phải nói là không. Nhưng để làm vừa lòng tất cả mọi người khi thực hiện theo nghị định đấy thì chưa.

Chính vì vậy mà chúng tôi dự kiến sau khi hoàn tất lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước vào khoảng tháng 5 tới, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức một hội nghị để lắng nghe, rút kinh nghiệm, tiếp thu sau hai năm Bộ thực hiện 3 nghị định, đó là Nghị định 62 về xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Nghị định 89 về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và Nghị định 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Xin cảm ơn ông! 

Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn: Ngày 14.2.2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật năm 2016 đã ký Tờ trình số 31/T.Tr-HĐGT đề nghị tiếp tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật năm 2016 đối với hai cố tác giả là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn). Theo Tờ trình thì: “... Bộ VHTTDL kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 cố tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn) có hồ sơ đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, tuy thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ; nhưng các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hồ sơ này đều được 3 cấp Hội đồng: cấp cơ sở, cấp chuyên ngành lĩnh vực Văn học và cấp Nhà nước tổ chức họp xét theo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong quá trình làm việc, Hội đồng các cấp đều thảo luận về từng tác phẩm, cụm tác phẩm trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập của từng thành viên; bỏ phiếu kín, kiểm phiếu và công bố kết quả ngay tại phiên họp Hội đồng. Các tác phẩm, cụm tác phẩm này đều đảm bảo đạt tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng các cấp - là cơ sở để Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 tác giả nêu trên”. P.V



Báo Văn hóa

NỔI BẬT TRANG CHỦ