(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2022, báo chi đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Y tế về kết quả tiêm vaccine mũi 4 hiện nay và việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi như thế nào? Giải pháp sắp tới của ngành y tế để đạt được kết quả cao như kế hoạch là gì? Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá như thế nào về việc xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam và biện pháp phòng chống như thế nào?
Đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh để lãng phí vaccine Covid-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong thời gian qua, công tác triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và Bộ Y tế đã chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh để lãng phí vaccine.
Kết quả tiêm chủng đến ngày 3/8, số người đã tiêm mũi 4 trên toàn quốc là hơn 9,7 triệu mũi tiêm, đạt 50,6%, trong đó có 9 tỉnh đạt tỉ lệ trên 80%. Trong 9 tỉnh này có 3 tỉnh đạt tỉ lệ cao nhất là Điện Biên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long. Có 29 tỉnh có tỉ lệ dưới 50%, trong đó 3 tỉnh có tỉ lệ thấp nhất là Sơn La, Đắk Lắk, Nghệ An.
Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính đến ngày 3/8, mũi 1 đạt 70%, mũi 2 đạt 38%. Theo tính toán của các cơ quan ngành y tế, tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 nửa cuối của tháng 7 đã tăng hơn 30%, gần 40% so với nửa đầu của tháng 7.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để tăng cường tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là để hoàn thành mục tiêu đặt ra về tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành trong tháng 8/2022, cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 664 ngày 25/7/2022, trong đó phải đảm bảo cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng COVID-19.
Các địa phương phải triển khai quyết liệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu và đối với những địa phương nào không đạt được mục tiêu, để tốc độ tiêm chậm thì Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phát động chiến dịch tiêm chủng, đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vaccine, hiệu quả của tiêm vaccine, tập trung truyền thông về tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, có bệnh lý nền, kể cả trẻ em; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến tận địa bàn dân cư, công khai các điểm tiêm vaccine. Và trong Công điện cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cũng như tăng cường truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của tiêm vaccine để đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.
Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể
Đánh giá nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam cũng như các biện pháp phòng chống, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đậu mùa khỉ được ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở người vào năm 1970 và chỉ lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi. Tuy nhiên từ tháng 5/2022 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, ghi nhận tại 12 quốc gia khu vực châu Âu.
Bệnh gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca bệnh. Đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố sự bùng phát của dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7, đã ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
"Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện nay, với chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đối với dịch COVID-19 thì sự giao lưu, đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực là 1 trong những lý do nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, từ tháng 5/2022, Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống và đã liên tục liên hệ với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế để cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh.
Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp thì ngày 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, CDC Hà Nội, các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn của ngành y tế để thảo luận về tình hình dịch bệnh cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống.
Việt Nam được đánh giá, phân loại là nhóm 1, quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về điều trị, giám sát các trường hợp bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và ban hành Công điện số 680 ngày 1/8/2022 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, nêu rõ biện pháp phòng chống dịch đậu mùa khỉ hiện nay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới./.