• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Y tế đứng trong top đầu chậm giải ngân vốn đầu tư công

Thời sự 08/08/2022 17:21

(Tổ Quốc) - Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng top đầu của top chậm giải ngân vốn đầu tư công. Có những năm tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Y tế chỉ đạt 19%, có dự án cả giai đoạn giải ngân chỉ đạt 13%.

Bộ Y tế đứng đầu trong top chậm giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Quốc hội

Sáng ngày 8/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung buổi làm việc.

Nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế

Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát và sự phân công của Trưởng Đoàn giám sát, Tổ công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Tổ trưởng đã làm việc với Bộ Y tế và có báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Theo Tổ công tác, Báo cáo của Bộ Y tế gửi Đoàn giám sát còn chậm, chưa bảo đảm thời hạn theo yêu cầu của Đoàn giám sát; nhiều nội dung, thông tin, số liệu chưa báo cáo đầy đủ theo yêu cầu. Báo cáo còn mang tính chất liệt kê các hoạt động đã thực hiện, chưa làm nổi bật kết quả tiết kiệm, chống lãng phí; một số nội dung còn chưa được đánh giá sâu, nhất là về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm.

Về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có sự tiến bộ qua các năm nhưng vẫn chưa bảo đảm về thời hạn ban hành. Việc xây dựng bộ chỉ tiêu, tiêu chí tiết kiệm còn chưa cụ thể, dẫn tới việc đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được toàn diện, đầy đủ.

Ngoài ra, tình trạng rút dự án luật ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hay chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả của việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phần nào gây ra sự lãng phí nguồn lực nhà nước, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, test kit COVID-19, nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng tài sản công, chưa kiểm soát được hết tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu. Một số cán bộ chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát...

Bộ Y tế luôn đứng trong top đầu của top chậm giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của Bộ Y tế nêu tương đối rõ việc thực hành tiết kiệm trong nội bộ của Bộ, nhưng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngành quản lý trên cả nước còn mờ nhạt.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị Bộ Y tế làm rõ vì sao chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tổng thể của ngành, các mục tiêu cụ thể; việc đánh giá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn như thế nào? Ngoài ra, báo cáo của Bộ Y tế nêu đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng trong giai đoạn 2016-2021 vẫn chưa triển khai cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề nào về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nêu thực trạng lãng phí tại Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam, Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, đây là 2 dự án được kỳ vọng sẽ giảm quá tải cho hai bệnh viện tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay sau nhiều năm triển khai vẫn chưa đưa vào sử dụng. Vấn đề này cũng được cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời gian tới có tiếp tục xây dựng hai dự án này, nếu có thì khi nào hoàn thành, hoạt động có hiệu quả được không, Bộ Y tế có kế hoạch gì, bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng bệnh viện vệ tinh thời gian qua như thế nào?.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, mục tiêu cuối cùng Quốc hội tiến hành giám sát là đưa ra khuyến nghị về chính sách. Lĩnh vực y tế là điểm nóng, các thành viên Đoàn giám sát muốn lắng nghe trong các chính sách hiện nay đang vướng ở điểm nào, nhưng Báo cáo của Bộ Y tế chưa đưa ra phụ lục, danh mục cụ thể điều khoản nào bất hợp lý gây nên các vướng mắc trong thời gian qua.

“Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng top đầu của top chậm giải ngân vốn đầu tư công”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai khẳng định. Có những năm tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Y tế chỉ đạt 19%, có dự án cả giai đoạn giải ngân chỉ đạt 13%.

Đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm

Phát biểu kết luận, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của Nhân dân trong đó có cán bộ nhân viên ngành y.

Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc (6 tháng năm 2022 gần 10 nghìn viên chức y tế trong bệnh viện công xin thôi việc) là thực trạng đáng quan tâm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm.

Sau buổi này giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát. Từ góc nhìn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá kết quả những việc đã làm được. Bộ Y tế cũng cần nêu rõ cách làm hay, hiệu quả đã triển khai; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục.

Đối với đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết, kiệm, chống lãng phí và hệ thống chính sách pháp luật liên quan, với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Y tế cần nêu cụ thể cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nào.

Bộ Y tế cần tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đề nghị khắc phục mà không cần đợi đến khi có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, cần thống kê, báo cáo với Đoàn giám sát./.


Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ