(Tổ Quốc) - Biểu tượng âm nhạc Bob Dylan cuối cùng cũng đã nhận lời đến nhận giải Nobel Văn học của mình vào cuối tuần này trong buổi gặp gỡ với Viện Hàn lâm Thụy Điển tại Stockholm. Tuy nhiên đây sẽ là buổi gặp gỡ riêng không có bất kỳ cơ quan báo trí, truyền thông nào tham dự và Dyland cũng sẽ chỉ chuyển bài phát biểu của mình dưới dạng bản ghi vào một ngày sau đó.
- 24.03.2011 Huyền thoại Bob Dylan biểu diễn tại TPHCM
- 13.10.2016 Nobel văn học 2016 về tay... nhạc sĩ người Mỹ!
- 19.10.2016 Chủ nhân giải Nobel Văn học 2016 “mất tích”
Nhạc sĩ- ca sĩ huyền thoại 75 tuổi đã giữ im lặng trong nhiều tuần lễ sau khi ông được công nhận là người đoạt giải Nobel văn học hồi tháng 10 năm ngoái và được thông tin là đã nhận giải thưởng trong buổi lễ trao giải tổ chức vào tháng 12 cùng năm.
Trong tuần này, nhạc sĩ Dylan sẽ có các buổi biểu diễn âm nhạc vào thứ bảy và chủ nhật tại Stockholm, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến lưu diễn châu Âu của ông.
Theo Sara Danius, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm viết trên trang cá nhân: "Tin tốt lành là Viện Hàn lâm Thụy Điển và Bob Dylan đã quyết định gặp nhau vào cuối tuần này. Viện sẽ trao chứng nhận giải Nobel và huy chương Nobel cho Dylan và chúc mừng ông nhận giải Nobel Văn chương". Cô nói thêm: "Buổi gặp gỡ thân mật sẽ không có phương tiện truyền thông tham dự mà chỉ có Bob Dylan và các thành viên của Viện Hàn lâm, tất cả đều theo nguyện vọng của Dylan".
Danius không thông tin cụ thể về thời điểm của buổi gặp gỡ nhưng cho biết: Dylan, nhạc sĩ đầu tiên trong lịch sử của giải Nobel văn chương đoạt giải, sẽ không trình bày bài phát biểu trong suốt cuộc gặp này. Đây là điểm khác biệt bởi bài phát biểu là một trong những điều kiện quan trọng đi kèm để được nhận giải thưởng trị giá khoảng 8 triệu kronor (khoảng 870 nghìn đô la Mỹ), Dylan sẽ không được sở hữu số tiền trong suốt chuyến thăm Stockholm thậm chí cả khi ông đã nhận giấy chứng nhận và huy chương Nobel.
Bài phát biểu gần như được chấp nhận dưới mọi hình thức, bao gồm cả bài phát biểu ngắn, bài trình diễn, một bản ghi hình hay một bài hát, nhưng phải được chuyển tới trong vòng 6 tháng tính từ ngày 10/12/2016- ngày kỷ niệm giải Nobel và tưởng niệm ngày mất của người sáng lập giải Alfred Nobel.
“Viện Hàn lâm sẽ có lý do để tin rằng một bản ghi băng sẽ được gửi đến sớm ngay sau cuộc gặp gỡ diễn ra” Danius nói thêm. Trước đây cũng từng có những trường hợp gửi băng ghi âm bài phát biểu tới Viện Hàn lâm như nhà văn Alice Munro, Canada đoạt giải năm 2013.
Dylan, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Blowin’ in the wind”, "Knockin' On Heaven's Door" và "Hurricane" có thời hạn tới tận mùng 10/6 năm nay để gửi bài phát biểu.
Trước đó, khi được hỏi tại sao tháng 10/2016 ông không hồi âm hay trả lời các cuộc gọi của Viện, Dylan nói: “Tôi vẫn ở ngay đây thôi mà!”. Thế nhưng sự thực là ngôi sao nhạc rock đã bị ám ảnh bởi các nghi lễ trao giải và trong lễ trao giải hồi tháng 12 tại Stockholm ông đã gửi một bài phát biểu cảm ơn và được đọc trong buổi lễ. Theo Maria Schottenius, nhà phê bình văn học và nhà bình luận của tờ Dagens Nyheter, Thụy Điển, nói bà tin rằng Bob Dylan quan tâm đến Nobel, tuy nhiên, chính sự lộng lẫy của buổi lễ, cộng với sự hiện diện của hoàng gia Thụy Điển và các chính trị gia đã khiến Dylan không thể vượt qua bản thân để đến dự. Theo cách nói của bà với AFP thì: “giải thưởng được nhà vua trao, áo choàng, bữa tiệc linh đình, xa hoa, được truyền hình… không phải là những thứ khiến anh ấy thoải mái”. Thêm một lý do nữa được tiết lộ trong bài diễn từ đọc tháng 12 thì, Dylan xin lỗi vì đã không thể tham dự buổi lễ và vẫn chưa thôi bất ngờ khi được chọn là người đoạt giải Nobel văn chương, sánh vai cùng các nhà văn nổi tiếng thế giới như Ernest Hemingway, Albert Camus. “Nhiều lần tôi đã tự hỏi mình rằng ‘Các bài hát của tôi có phải là văn chương hay không?’. Nếu ai đó đã từng nói với tôi rằng tôi có cơ hội giành được giải Nobel thì tôi sẽ phải nghĩ rằng tôi cũng có thể đứng trên mặt trăng".
Được biết, trước đây cũng từng có một số nhà văn đoạt giải Nobel Văn học đã bỏ qua lễ trao giải như Doris Lessing (2007) đã không tham dự vì tuổi tác cao, Harold Pinter (2005) vì phải nhập viện và Elfriede Jelinek (2004) vì nỗi ám ảnh xã hội của bà.
Nhật Anh (theo Dailymail)