• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một trong những yêu cầu cấp thiết hàng đầu hiện nay

Văn hoá 26/11/2019 15:17

(Tổ Quốc) - Nghiên cứu, thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là về bồi dưỡng đạo đức cách mạng luôn là yêu cầu cấp thiết hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một trong những yêu cầu cấp thiết hàng đầu hiện nay - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng hoa các đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác, ngày 27-8-2019. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và vô cùng kính yêu của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang Việt Nam - vĩnh biệt chúng ta cách đây đã 50 năm. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ. Bản Di chúc lịch sử đó là lời căn dặn của Người đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các thế hệ mai sau. Đây là một tài sản vô giá, là một văn kiện lịch sử phản ánh tập trung nhất tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, kết tinh những giá trị tư tưởng, những tình cảm thắm thiết và niềm tin vững chắc của Người, thể hiện tinh thần trách nhiệm lớn lao, lo lắng mọi bề đến tương lai của dân tộc ta, của chế độ xã hội chủ nghĩa và loài người. Đó là những tình cảm thắm thiết và niềm tin vững chắc của Người đối với nhân loại tiến bộ, mà trước hết là với Đảng ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau.

Cuộc đời và nhân cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động nhất về tinh thần cách mạng triệt để, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tận tụy phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, toàn tâm, toàn ý phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đức độ cao quý của Người là trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, khiêm tốn, giản dị, thương yêu tha thiết con người, gần gũi và tin tưởng mãnh liệt vào khả năng và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đạo đức và tác phong của Người là một mẫu mực về cuộc sống và chiến đấu của một người chiến sĩ cách mạng chân chính; là tấm gương sáng mãi cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện và noi theo.

Nội dung bao trùm quan trọng nhất của Di chúc đã làm nên giá trị cách mạng, giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc chính là tư tưởng về xây dựng Đảng và bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Năm mươi năm đã đi qua nhưng những lời di huấn về đạo đức cách mạng của Người vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Thực tiễn đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước. Trong đó, có nội dung bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Và để thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng

Lời di huấn quý giá đó là sự tổng kết kinh nghiệm gần 60 năm hoạt động cách mạng của Người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sinh thời, Người luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời, phát triển của nền đạo đức cách mạng Việt Nam. Cùng với quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói và viết về đạo đức cách mạng - từ những bài viết đầu tiên về V. I. Lê-nin năm 1923 đến bản Di chúc thiêng liêng năm 1969, Người luôn nhấn mạnh vai trò nền tảng, là "gốc" của đạo đức cách mạng trong tư cách của người cách mạng.

Nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng đối với người cách mạng, Người cho rằng người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân và người cán bộ cách mạng phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính... Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chính vì vậy, trong Di chúc Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. "Thật sự" nghĩa là phải nắm vững nội dung thực chất của đạo đức cách mạng; là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Đó chính là tiêu chuẩn số một của người cách mạng. Hơn nữa, thấm nhuần đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải biến nhận thức thành lẽ sống, niềm tin, hành động tự giác. Đạo đức cách mạng gắn với hoạt động tự giác của mỗi người, trong ba phương diện cơ bản: với người, với việc, với tự mình. Chính vì vậy, Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng.

Thứ hai, phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư

Trong cách mạng nước ta, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, điều đó cũng có nghĩa là cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng. Do vậy, Người đặc biệt chú trọng tới giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng - cần kiệm liêm chính, chí công vô tư - cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, coi đây là nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng ở mỗi cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền..

Người yêu cầu mỗi cán bộ và đảng viên phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải "thật sự" thì mới không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không xâm hại tới lợi ích của tập thể, của nhân dân; người cán bộ, đảng viên phải vừa thực hiện vừa tuyên truyền, giáo dục quần chúng cùng thực hiện. Người nhắc nhở, quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, do vậy, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; cần làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Hơn nữa, với cán bộ, đảng viên, Người luôn yêu cầu phải "tận trung với nước, tận hiếu với dân", sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong bản Di chúc, Người đã yêu cầu tập trung giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa, con người đó phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Với niềm tin vững chắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi, đất nước sẽ độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Người đã sớm cảnh báo nguy cơ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên của Đảng, của bộ máy nhà nước trong điều kiện mới khi Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền. Quan liêu, tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha của chế độ xã hội cũ di chứng lại sẽ còn gây hại trong chế độ xã hội mới, nhất là với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người đã từng cảnh báo có những cán bộ, đảng viên trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch và có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, từ đó biến thành người có tội với cách mạng.

Để khắc phục những thói hư tật xấu ấy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao đạo đức cách mạng. Người đã sớm nêu lên những yêu cầu, nội dung mới của đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện - đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên có tác động mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi những giá trị đạo đức truyền thống, như tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa tập thể, tinh thần sống hết mình vì mọi người, trọng danh dự, tình đồng chí, đồng đội "đồng cam cộng khổ", sẵn sàng nhận khó khăn về mình; tích cực đấu tranh với những biểu hiện chạy theo lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, coi vật chất, lợi ích cá nhân, cục bộ nặng hơn danh dự, nhân cách con người; chú trọng xây dựng tình đoàn kết thương yêu, sống chân thành, cởi mở, gắn bó, tôn trọng, quý mến lẫn nhau, luôn tận tình giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục và rèn luyện Đảng ta về đạo đức cách mạng, mà Người còn là tấm gương mẫu mực về thực hành những phẩm chất đạo đức trong sáng đó.

Thứ ba, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài, mà phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Muốn vậy, mỗi tổ chức và đảng viên của Đảng phải vững mạnh, gương mẫu để làm tròn vai trò "là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"; phải xây dựng Đảng vững mạnh, thực sự "là đạo đức, là văn minh", mỗi đảng viên có đầy đủ cả đức và tài, trong đó đức phải là "gốc". Muốn vậy, cần nhận rõ phận sự của đảng viên và cán bộ phải trọng lợi ích của Đảng hơn hết, phải đặt lợi ích của Đảng lên trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng".

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một trong những yêu cầu cấp thiết hàng đầu hiện nay - Ảnh 2.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực rèn đức, luyện tài, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới. Ảnh: Tư liệu

Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Vì vậy, phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trí tuệ của Đảng, đó là xây dựng cái "gốc" vững chắc của Đảng. Người từng nói rằng, đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.

Người luôn căn dặn thực hành đạo đức cách mạng không tách rời với kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là một thứ "vi trùng" rất độc, do nó mà sinh ra các thứ "bệnh" rất nguy hiểm, như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Người đã từng chỉ rõ, có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác mà Đảng giao phó cho mình. Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Đảng viên phải bám sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, hòa mình với quần chúng thành một khối; lời nói đi đôi với việc làm, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình để giúp nhau cùng phát huy ưu điểm, khắc phục sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ mãi.

Hiện nay, để góp phần quán triệt sâu sắc lời di huấn về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới mỗi cán bộ, đảng viên cần biết khơi dậy nhiệt tình cách mạng, tích cực hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn tích cực rèn đức, luyện tài, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi tổ chức và cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Lựa chọn các nội dung và hình thức phong phú, phù hợp để làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng để từ đó mỗi cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân. Xây dựng phong trào tự giác thi đua học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ cấp chiến lược để tạo sự chuyển biến căn bản trong nâng cao đạo đức cách mạng; phát triển các giá trị đạo đức cách mạng trong điều kiện mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua có tính quần chúng rộng rãi, kế thừa và phát huy truyền thống của Đảng, truyền thống dân tộc lên tầm cao mới.

Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hiểu rằng, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng, nếu chỉ có nhận thức và nhiệt tình thì chưa đủ, mà cần phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đạo đức đó phải phục vụ mục tiêu chính trị và lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đạo đức cách mạng chính là biểu hiện sức mạnh, sự tiến bộ về chính trị tinh thần của mỗi tập thể cũng như của mỗi người. Việc học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên phải trở thành vấn đề cơ bản, cấp bách trong tình hình hiện nay. Đó là động lực và sức mạnh tinh thần to lớn giúp mọi cán bộ, đảng viên vượt qua cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân và mọi thử thách để phấn đấu cho lợi ích của Đảng, của nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh nào./.

Theo Tạp chí Cộng sản

NỔI BẬT TRANG CHỦ