(Tổ Quốc) - Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất cần đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với truyền thống văn hóa
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này đã đảm bảo tiếp thu cơ bản các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri…
Đại biểu cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh- tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc phòng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Theo đại biểu, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 5; có 02 quy định riêng và 13 quy định cụ thể đối tượng là dân tộc thiểu số. Tuy có nhiều nội dung hợp lý, nhưng đại biểu cho rằng một số nội dung cần được điều chỉnh để phù hợp, cụ thể hơn...
Theo đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định bao quát, giải quyết thấu đáo, đáp ứng được mong muốn của từng dân tộc trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang khó khăn.
"Tôi thống nhất cao với quan điểm luật hướng tới ưu tiên cho những cho những dân tộc khó khăn nhất, những vùng đặc biệt khó khăn, những trường hợp là người nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo còn khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau" - đại biểu Phạm Thị Kiều bày tỏ.
Tranh luận với đại biểu Kiều, đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có điều khoản nào tạo quỹ đất, đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu kiến nghị bổ sung một điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc này, nếu không sẽ lại có 20 năm lặp lại việc không hoàn thành nhiệm vụ nội dung của Nghị quyết 24.
Khuyến khích lấn biển để gia tăng quỹ đất
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.
Theo đại biểu, Nhà nước bên cạnh thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị và Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước định ra không gian gần như 1 sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án.
Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng 2 giá, bất bình đẳng dễ nảy sinh mâu thuẫn.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết hợp với phương pháp khấu trừ…Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.
Vị đại biểu này cho rằng, đối với chế độ pháp lý đối với lấn biển nên quy định nguyên tắc trong Luật Đất đai thay vì ủy thác cho Chính phủ. Theo đó, cần khuyến khích thể nhân, cá nhân thực hiện lấn biển để gia tăng quỹ đất, mở rộng không gian sinh tồn.
"Có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết, ưu đãi tài chính…Theo đó, Nhà nước cần khuyến khích hỗ trợ tài chính, lãi suất, miễn giảm thuế có thời hạn, cấp quyền sử dụng đặc biệt nếu như mảnh đất có thể sử dụng vào những việc phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân" - đại biểu gợi mở.
Nhấn mạnh đây là dự án luật hết sức quan trọng, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần hết sức cẩn trọng khi xem xét thông qua.
Phát biểu tranh luận về vấn đề lấn biển, đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng đây là nội dung quan trọng, được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các quy định hiện nay chưa thống nhất, vì vậy, để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án lấn biển, phát triển hạ tầng, mở rộng không gian biển, tăng thu ngân sách, đại biểu đề nghị quy định rõ như phương án 2 đối với khoản 6 Điều 191, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục.
Đại biểu cho biết, tại khoản 3 Điều 202, dự thảo đang đưa ra 2 phương án. Đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án 2, giữ nguyên điểm h để các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được cho thuê, thế chấp góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất.
"Quy định như phương án 2 là cơ sở pháp lý quan trọng để khai thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh đồng thời cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kiểm soát, ngăn chặn các sai phạm, thất thoát, lãng phí" - đại biểu nêu quan điểm.