(Toquoc)- Một tuần qua, dư luận bóng đá trong nước sôi lên với sự kiện cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc của câu lạc bộ Nam Định dùng “ngón tay thối” chỉ về phía cổ động viên câu lạc bộ Thể Công, trong trận đấu Nam Định-Thể Công thuộc vòng 5 V-league, ngày 15/3.
(Toquoc)- Một tuần qua, dư luận bóng đá trong nước sôi lên với sự kiện cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc của câu lạc bộ Nam Định dùng “ngón tay thối” chỉ về phía cổ động viên câu lạc bộ Thể Công, trong trận đấu Nam Định-Thể Công thuộc vòng 5 V-league, ngày 15/3.
Không dừng lại ở hành động đó, Danh Ngọc còn chỉ tay vào "của quý" của mình để thách thức các cổ động viên đội khách. Một hành động không thể chấp nhận trong bóng đá và càng đáng nói hơn khi Danh Ngọc là một tuyển thủ Olympic, một người cần ý thức rất rõ danh tiếng của mình.
Chuỵên cũng đã an bài khi cuối tuần cầu thủ trẻ này đã chịu mức án phạt cao nhất của Ban Tổ chức giải. Tuy nhiên, những vấn đề văn hoá xung quanh nó thì vẫn cần được nói tới.
Có người chưa thủng chuyện, hỏi: vậy “ngón tay thối” nghĩa là gì? Xin thưa, đó là cụm từ ám chỉ ngón tay ở xen giữa ngón trỏ và ngón áp út trên hai bàn tay của con người. Nếu một người nào đó giơ ngón tay này lên, hướng về phía người khác, hoặc một nhóm người nào khác, có nghĩa là đã tung ra một câu chửi thề tục tĩu, mặc dù không phát ngôn ra miệng.
Nhìn ra môi trường thể thao thế giới có thể thấy những hành vi phi văn hóa như vậy thì cũng không phải là hiếm.
Ngay một huấn luyện viên đáng kính như Fabio Capello cũng từng chĩa “ngón tay thối” về phía các cổ động viên khi ông là huấn luyện viên của Real Madrid . Trong giới cầu thủ, Drogba trong màu áo Chelsea cũng đã hướng về các cổ động viên Burnley và ném trả đồng xu…
Nhưng chuyện không hiếm không có nghĩa là nó được nhìn nhận như một sự việc bình thường. Capello bị chính câu lạc bộ của ông phạt tiền và chính Capello cũng phải đăng đàn để xin lỗi các cổ động viên vì hành vi đó. Drogba bị treo giò 3 trận.
Khá may mắn, với bóng đá Việt Nam, những hành vi khiếm nhã như thế chưa nhiều.
Trước vụ “ngón tay thối” của Danh Ngọc, người ta mới chỉ biết đến chuyện HLV Lê Thụy Hải quay lên khán đài để bốp chát với các cổ động viên nhà khi ông dẫn dắt Bình Dương; hay là tiền đạo người Nigeria, Achilefu khi khoác áo LG.Hà Nội.ACB (nay là Hà Nội.ACB) đã ăn mừng bàn thắng bằng cách tụt quần và ngoáy mông ngay trước mặt ban huấn luyện và cầu thủ dự bị của đội bóng Nam Định.
Bóng đá là văn hóa, xét ở góc độ nào đó là như thế. Khi các cổ động viên đến sân, trong đó có cả những đứa trẻ, không nên được chứng kiến những hành vi mà ngay cả người trưởng thành cũng không thể chấp nhận. Một hành vi đi ngược lại với những quy chuẩn trong ứng xử cần phải được trừng phạt.
Đó là còn chưa nhắc tới một thực tế, sự khiếm nhã còn châm ngòi cho bạo lực, khơi lên những xung đột giữa cổ động viên với cầu thủ, cổ động viên với cổ động viên.
Không thể lý giải những hành động phi văn hoá trên sân cỏ là sự bồng bột của tuổi trẻ và cũng đừng cho rằng vì giới cầu thủ học vấn thường không cao bởi học vấn không đồng nghĩa với văn hóa. Một người học vấn thấp vẫn có thể ứng xử đầy tính văn hóa.
Có một thực tế khác, các cầu thủ thường xuyên phải hứng chịu sự công kích từ các khán đài, không chỉ từ những cổ động viên thù địch. Nhưng họ phải học và biết cách kiềm chế. Không có cuốn sách nào quy định điều đó, nhưng đó là một sự bắt buộc, để trở thành một cầu thủ lớn hoặc chí ít cũng được thừa nhận là một cầu thủ có tư cách.
Bóng đá cần lắm sự dâng hiến của mỗi cầu thủ. Sự hết mình chỉ có được ở những cầu thủ luôn có được cái tâm trong sáng và sự chuyên nghiệp trong hành xử.
Hy vọng, từ bài học “ngón tay thối” của Danh Ngọc, bóng đá Việt Nam ở tất cả các cấp độ cũng như nền thể thao nước nhà sẽ không còn sự lặp lại của những hành vi thiếu văn hoá như thế!
Hoa Linh Lan