• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bóng đá Việt Nam: Những giải pháp đảm bảo phát triển bền vững

Thể thao 01/01/2025 11:09

(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm qua, Bóng đá Việt Nam cho thấy sự phát triển liên tục và giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong bối cảnh mới, nền Bóng đá nước nhà cần có những giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Trong nhiều năm qua, Bóng đá Việt Nam cho thấy sự phát triển liên tục và giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, từ các giải đấu phong trào tới chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp, bóng đá Nữ, bóng đá trong nhà (Futsal) và đặc biệt là cấp các ĐTQG luôn có sức hút mãnh liệt đối với xã hội, tạo ra một động lực mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong cũng như ngoài nước, là đòn bẩy thể thao đối với phong trào rèn luyện sức khỏe thanh thiếu niên và những người trong độ tuổi lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Bóng đá Việt Nam: Những giải pháp đảm bảo phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam qua 2 giai đoạn đã đạt được một số mục tiêu lớn đáng chú ý

Khi nhìn nhận đánh giá sự phát triển của Bóng đá Việt Nam qua 2 giai đoạn gồm từ 2012-2020 và từ 2021 tới nay, Bóng đá Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu lớn đáng chú ý như: Đội tuyển nam giành chức Vô địch Đông Nam Á năm 2018, lọt vào vòng tứ kết giải Vô địch châu Á, lần đầu tiên tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022; Đội U23 giành huy chương Bạc giải U23 châu Á năm 2018, lọt vào vòng bán kết môn bóng đá nam Đại hội thể thao châu Á năm 2018, giành huy chương Vàng môn bóng đá nam tại 2 kỳ SEA Games 30, 31; Đội tuyển bóng đá Nữc giành vé tham dự vòng chung kết bóng đá nữ thế giới năm 2023 cùng với thành tích 3 lần liên tiếp giành huy chương Vàng tại các kỳ SEA Games 2017, 2019, 2022…. Hệ thống thi đấu Bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp tiếp tục được hoàn thiện về quy mô và chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của AFC, số lượng các CLB bóng đá phong trào liên tục tăng, số lượng VĐV trẻ được đào tạo tập trung cũng không ngừng phát triển.

Những thành tích tốt đã giúp Bóng đá Việt Nam cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của FIFA, từng có thời gian, Bóng đá Việt Nam đứng trong nhóm từ 94 tới 97, tại châu Á đứng vị trí 14 (năm 2020) và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tại Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bóng đá được định hình như một trong những môn thể thao trọng điểm với những mục tiêu rõ ràng. Theo đó, Bóng đá nam trong top 8 châu Á, giành quyền tham dự World Cup và Bóng đá nữ trong top 6 châu Á, giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

"Ngay từ khi Quyết định của Thủ tướng được ban hành, với nhận thức rõ ràng về trách nhiệm-thách thức-cơ hội phát triển của Bóng đá Việt Nam trong thời gian tới cũng như quyết tâm cao nhất để thực hiện được các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tập trung triển khai nghiên cứu 5 nội dung Quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu chính và đi sâu phân tích 9 giải pháp định hướng được nêu trong Chiến lược mới ban hành" – ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết.

Bóng đá Việt Nam: Những giải pháp đảm bảo phát triển bền vững - Ảnh 2.

Các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn-đào tạo tài năng bóng đá trẻ chưa thực sự có sự chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt

Để có thể thực hiện thành công 6 mục tiêu chính được nêu trong Chiến lược mới được Chính phủ ban hành, bước đi đầu tiên chắc chắn là phải giải quyết những khó khăn, tồn tại hạn chế trong công tác phát triển Bóng đá Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp định hướng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các nội dung công việc, từ đó chỉ ra 5 vấn đề chính còn tồn tại.

Đầu tiên, các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn- đào tạo tài năng bóng đá trẻ chưa thực sự có sự chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và quyết liệt. Tại các CLB vẫn có nhiều điểm khác nhau do các nguyên nhân về con người và trang thiết bị kỹ thuật dẫn tới chưa có sự đảm bảo gắn kết giữa các tuyến, các lớp vận động viên kế cận nhằm tạo nguồn cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển. Việc đảm bảo về tiêu chuẩn, hệ thống cơ sở vật chất, sân bóng và các cơ sở đào tạo bóng đá trong toàn quốc còn có sự khác nhau (từ Tỉnh-TP trung ương, địa phương, quy mô doanh nghiệp, tổ chức xã hội…).

"Việc trong thời gian vừa qua Bóng đá phong trào phát triển mạnh mẽ càng làm tăng tính cấp thiết của công việc này, thực tiễn đã chứng minh với nhiều quốc gia bóng đá khác khi thiếu hụt các công cụ đo lường và điều kiện tiêu chuẩn để hoạt động bóng đá đều đưa đến sự kém hiệu quả trong chất lượng phát hiện và phát triển tài năng bóng đá" – ông Trần Anh Tú nhận định.

Tiếp theo, việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, quản lý, huấn luyện bóng đá và xây dựng dữ liệu chuyên môn còn chậm. Việc áp dụng kỹ thuật Y học tiên tiến trong điều trị chấn thương, phục hồi cho VĐV còn hạn chế, các trang thiết bị YHTT và cán bộ y tế có trình độ chuyên môn tốt còn thiếu.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hệ thống thi đấu trẻ đã có thay đổi nhưng còn chưa được như kỳ vọng mặc dù tới hiện đại đã có hệ thống thi đấu trải rộng trên nhiều lứa tuổi. Điều này đã tồn tại nhiều năm và tạo ra sự bất ổn định về thành tích trong tương lai.

Cùng với đó, đầu tư phát triển bóng đá còn gặp nhiều vướng mắc và chậm trễ. Bóng đá phong trào và bóng đá chuyên nghiệp-ngoài chuyên nghiệp, ngoài sự tác động chung của kinh tế thị trường vẫn cần có sự chung tay góp sức của các đơn vị-tổ chức nhà nước, tại Trung ương cũng như địa phương.

Và vấn đề cuối cùng là công tác hòa nhập quốc tế trong bóng đá. Trong thời gian vừa qua Bóng đá Việt Nam đã đạt nhiều thành công quan trọng trong việc tăng cường quan hệ với FIFA/AFC để có những nguồn hỗ trợ về kinh phí và khoa học kỹ thuật và đào tạo, được các tổ chức bóng đá quốc tế như FIFA/AFC/AFF và các Liên đoàn bóng đá quốc gia khác đánh giá cao nhưng nhìn chung là còn chậm so với sự phát triển của quốc tế.

5 nhiệm vụ và 8 giải pháp

Với những vấn đề trên, khi nghiên cứu yêu cầu nhiệm vụ đối với Bóng đá Việt Nam được nêu trong Chiến lược mới ban hành, ông Trần Anh Tú khẳng định, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ý thức được rõ ràng vai trò trách nhiệm của mình, đồng thời nghiên cứu kỹ nội dung của 9 giải pháp chủ yếu trong Chiến lược: "Chúng tôi khẳng định quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ được giao, qua đó cũng đặt ra 5 nhiệm vụ cần phối hợp triển khai và 8 giải pháp chính để thực hiện ngay".

Bóng đá Việt Nam: Những giải pháp đảm bảo phát triển bền vững - Ảnh 3.

Các lứa cầu thủ trẻ sẽ được ưu tiên định hướng tới FIFA World Cup 2030 và 2034

Cụ thể, với các nhiệm vụ chính cần phối hợp triển khai, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ tổ chức đánh giá toàn diện việc thực hiện Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam giai đoạn 2013 tới nay, bổ sung và điều chỉnh các nhóm giải pháp chiến lược trong trong giai đoạn tiếp theo tới 2030 và tầm nhìn tới 2045, bám sát các nội dung nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược mới ban hành, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại đã nêu.

"Từ việc tổ chức đánh giá, tiến hành tổng hợp và tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy định trong việc thực hiện chế độ chính sách, các giải pháp hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đối với các tổ chức có sự ưu tiên đầu tư cho Bóng đá, tạo sự tập trung thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện chế độ chính sách và đầu tư cho phát triển Bóng đá. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống đóng góp cho thành tích của Bóng đá quốc gia; Bố trí ngân sách và triển khai một số Đề án trọng điểm về đào tạo Bóng đá trẻ, Đề án xây dựng hệ thống thi đấu đồng thời với đầu tư về Khoa học công nghệ…." - ông Trần Anh Tú cho biết.

Bên cạnh đó, Liên đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng nhân lực con người Việt nam trong các tổ chức bóng đá quốc tế, tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư thông qua các tổ chức Bóng đá quốc tế và các nhà tài trợ, đối tác dành cho hoạt động Bóng đá; tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển để tạo cơ hội phát triển cho Bóng đá Việt Nam.

Với 9 giải pháp được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt ra, Phó Chủ tịch Liên đoàn thông tin, Bóng đá Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên vào các công tác đào tạo cầu thủ trẻ định hướng tới FIFA World Cup 2030 và 2034; Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá; Chuyên nghiệp hóa ở trình độ cao Bóng đá ở cấp đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ về cấu trúc, tổ chức, nhân sự, chuyên môn, thương mại, pháp lý, dịch vụ chăm sóc y tế; Hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á, đặt mục tiêu có mặt Vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030-2045.

Với cơ cấu tổ chức, định hướng tổ chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp, có uy tín cao trong khu vực, châu lục và thế giới, từ đó, triển khai có hiệu quả mô hình Nhà nước đầu tư, thực hiện cơ chế xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá, sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá châu lục và thế giới.

Phát triển thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, đa dạng hóa các nguồn thu cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp; đối với bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng, bóng đá giải trí Nhà nước khuyến khích và có cơ chế ưu đãi về thời hạn giao sử dụng đất, chính sách khuyến khích về thuế để vận động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển trong đó lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trẻ em tiếp cận với các cơ sở vật chất để tập luyện bóng đá, từ đó, tạo đà đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực Bóng đá.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ