• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BRT Hà Nội “trần tình” về vụ đấu thầu buýt nhanh

Kinh tế 08/03/2017 14:43

(Tổ Quốc) -Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn ngày 8/3 có văn bản làm rõ một số nội dung báo Nhân dân đăng tin về dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Gói thầu hơn 12,3 triệu đô la không phải là giá trúng thầu

Theo đó, về đấu thầu gói đoàn xe BRT, ông Phạm Hoàng Tuấn cho hay, gói thầu đoàn xe được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi trong năm 2014 theo đúng các quy định của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Openasia Equipment Limited – Volvo Bus với hơn 11,6 triệu đô la. Tuy nhiên, do việc thương thảo, đàm phán hợp đồng với nhà thầu liên danh này không thành công, nhà thầu đã đưa ra các điều kiện làm thay đổi các điều kiện chung đã quy định trong hồ sơ mời thầu, không chấp nhận yêu cầu của bên mời thầu… nên Sở Giao thông, Vận tải Hà Nội đã ban hành Quyết định số 329 vào tháng 3/2015 để hủy đấu thầu.

Sau khi hủy thầu và được sự thống nhất của Ngân hàng Thế giới, Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (cũ) thuộc Sở Giao thông, Vận tải đã tổ chức đấu thầu lại.

 Xe buýt nhanh Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn

Nhà thầu trúng thầu là Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải với giá trị trúng thầu là 176,29 tỷ đồng (tương đương 7,9 triệu đô la) vào tháng 11/2015.

“Thời gian giữa lần đấu thầu thứ nhất và thứ 2 cách nhau khoảng 8 tháng không phải 1 tháng như bài báo đã nêu” – ông Phạm Hoàng Tuấn thông tin.

Liên quan đến thông tin báo nêu về giá trị gói thầu phê duyệt điều chỉnh là hơn 12,3 triệu đô la, văn bản cho hay, thực chất đây là giá trị dự toán (không phải giá trúng thầu) đã được cập nhật bổ sung thêm các chi phí trong nước cho các loại thuế, phí và lệ phí cũng như chi phí dự phòng theo quy định. Một số khoản chi phí trong dự toán này sẽ không tính trong giá gói thầu để xét thầu.

Về giá xe buýt BRT do Nhà thầu Trường Hải cung cấp theo quyết định phê duyệt trúng thầu khoảng 5,03 tỷ/xe (trong đó giá xe đã bao gồm thuế là 4,91 tỷ/xe, còn lại là các chi phí vận hành, đào tạo lái xe và nộp thuế VAT...).

Để đảm bảo cho việc vận hành đoàn xe BRT được thuận lợi, sau khi thống nhất với Ngân hàng Thế giới và được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép bổ sung thêm các hạng mục vào gói thầu đoàn xe bao gồm: Hệ thống dây cáp tín hiệu và tủ rack, thiết bị lắp đặt trên xe đảm bảo vận hành cho xe BRT; hệ thống đóng, mở cửa tự động giữa nhà chờ và trên xe (hệ thống này được lắp trên nhà chờ)... với kinh phí khoảng 17,7 tỷ đồng.

“Các hạng mục bổ sung này đã được Sở Giao thông, Vận tải phê duyệt thiết kế, dự toán và được triển khai lắp đặt trên xe và tại các nhà chờ đảm bảo đưa xe BRT vào vận hành đồng bộ, Hiện tại toàn bộ gói thầu đoàn xe chưa được quyết toán” – Văn bản này cho hay.

Liên quan tới nhà thầu Trường Hải, sáng 8/3, khi liên hệ với đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải để làm rõ thông tin này, phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc được trả lời rằng, phía Ban Quản lý dự án sẽ đưa ra thông cáo gửi tới báo chí.

Giá trị các gói thầu thực tế thấp hơn

Về các gói thầu bảo hiểm của dự án có giá trị rất lớn, Ban Quản lý dự án này cũng đính chính thông tin và cung cấp giá trị thực tế của các gói thầu bảo hiểm theo quyết định phê duyệt.

Ví dụ: Bảo hiểm công trình Gói thầu số 01b/BRT-XL: Xây dựng đường và trạm xe bus từ Khuất Duy Tiến – bến xe Yên Nghĩa có giá trị 122 triệu đồng. Ông Phạm Hoàng Tuấn khẳng định, giá trị thấp hơn rất nhiều so với thông tin báo nêu là hơn 121,5 tỷ đồng.

Bảo hiểm công trình gói thầu gia cường cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà có giá trị 20 triệu đồng. Thông tin quý báo nêu là hơn 19,9 tỷ đồng…

Văn bản do ông Phạm Hoàng Tuấn ký nêu rõ, đây là dự án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới nên ngoài việc thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng thì trong quá trình thiết kế, lập dự toán, đấu thầu còn phải tuân thủ theo các quy định và thông lệ quốc tế cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Ngân hàng Thế giới.

Dự án cũng đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện.

Trước đó, từ 3/3 đến 6/3, Báo Nhân dân đăng tải một số bài viết trong đó có đề cập, nhận xét và cung cấp nhiều số liệu, thông tin liên quan đến công tác quản lý, thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Dự án này được phê duyệt từ  năm 2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới với ba hợp phần.

Tổng mức đầu tư của dự án lần đầu là 452,42 triệu đô la. Do thay đổi quy mô, phạm vi và chế độ chính sách trong giải phóng mặt bằng nên Dự án phải phê duyệt điều chỉnh 3 lần.

“Sau khi điều chỉnh dự án lần cuối cùng, tổng mức đầu tư giảm 119,821 triệu USD và thực tế theo giá trị dự toán được duyệt cũng như giá trị quyết toán chính thức chắc chắn sẽ thấp hơn tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Riêng về hạng mục BRT, tổng giá trị thực hiện đến thời điểm kết thúc dự án khoảng 35 triệu USD thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt là 53,6 triệu USD” – Văn bản này cho biết./.

Thái Linh

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ