• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BS Trần Thanh Linh: Bắc Giang, Bắc Ninh "bình yên" thì miền Trung, miền Nam mới giữ sạch được “mảnh lưới”

Sức khỏe 27/05/2021 17:18

(Tổ Quốc) - Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy là người từng tham gia chữa trị cứu sống phi công người Anh (BN91) bị mắc Covid-19. Thời điểm này, khi Tổ quốc cần, anh đã xung phong dẫn đầu Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 13 y, bác sĩ trực tiếp tham gia hỗ trợ “điểm nóng” tỉnh Bắc Giang.

BS Trần Thanh Linh: Bắc Giang-Bắc Ninh "bình yên" thì miền Trung, miền Nam mới giữ sạch được “mảnh lưới” - Ảnh 1.

Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy vừa đến Bắc Giang vào ngày 26/5. Ảnh: BYT

Chiến tranh có tiếng súng, chiến trường nơi vùng dịch là tiếng còi xe cứu thương

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết, trước khi lên đường chi viện cho "điểm nóng" Bắc Giang, anh em trong đội đã nhắn nhủ nhau chuyến đi lần này có thể sẽ kéo dài hơn chuyến đi Đà Nẵng năm ngoái và toàn đội phải chuẩn bị tâm thế là cùng với các đồng nghiệp chống được dịch, dập dịch sớm nhất có thể, hoàn thành nhiệm vụ.

"Chúng tôi biết rõ, khi Bắc Giang-Bắc Ninh và các tỉnh khu vực miền Bắc "bình yên" thì miền Trung, miền Nam mới giữ sạch được "mảnh lưới"" - bác sĩ Linh chi sẻ.

Anh cũng cho biết mình đã tâm sự với các thành viên trong đoàn, có thể chiến trường, chiến tranh có tiếng súng còn chiến trường nơi vùng dịch chỉ là tiếng còi xe cứu thương liên tục và các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ.

"Động lực lớn nhất để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an. Chúng tôi quyết tâm mang lại sự bình an để mọi người có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường" - bác sĩ Linh cho hay.

Lần này đến Bắc Giang, toàn đội đã dự trù, tiên lượng được các nguy cơ và số lượng bệnh nhân có thể diễn tiến. Tuy nhiên, toàn đội có sự chủ động hơn, tự tin hơn sau những kinh nghiệm trải qua từ nhiều trận dịch khốc liệt trước đó.

Vẫn phải dự trù tình huống xấu

Nói về những công việc ngay khi vừa đặt chân vào "điểm nóng" Bắc Giang, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết, ngay khi đến đây, Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã được làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Sở Y tế Bắc Giang.

BS Trần Thanh Linh: Bắc Giang-Bắc Ninh "bình yên" thì miền Trung, miền Nam mới giữ sạch được “mảnh lưới” - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BYT

Sau đó, toàn đội đã trực tiếp đến BV Phổi để khảo sát tình hình thực tế và nắm bắt về nhân sự, trang thiết bị hay số lượng bệnh nhân, diễn tiến, nguy cơ có thể xảy ra để anh em để có thể dự trù làm nhanh những đề án, để ngay trong 27/5 có thể tiếp quản đơn vị hồi sức (ICU) của BV Phổi. Làm sao đảm bảo bệnh nhân được điều trị nhanh nhất, mau phục hồi, hiệu quả nhất.

"Trước mắt chúng tôi nhận thấy các ekip hỗ trợ cho Bắc Giang thời gian qua từ các tuyến trung ương đến các đơn vị chi viện đã rất nỗ lực. Chỉ trong thời gian rất ngắn 5-6 ngày đã hoàn thiện đơn vị ICU đặt tại BV Phổi với 58 giường bệnh, trong đó có 17 giường cho bệnh nhân nặng với đầy đủ hệ thống oxy trung tâm, khí nén và những dự trù vật tư tiêu hao, trang thiết bị.

Tuy nhiên, với tình trạng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bắc Giang mỗi lúc một tăng thì con số bệnh nhân nặng chắc chắn cũng sẽ gia tăng. Do đó về nhân sự, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần phải tiếp tục bổ sung và cùng với lực lượng tại chỗ, làm sao giải quyết được "4 tại chỗ" - bác sĩ Linh cho hay.

So sánh với đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng vào năm trước, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mặc dù Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền như ổ dịch Đà Nẵng nhưng vì chủng virus lần này biến thể nên bệnh nhân nặng vẫn có.

Đặc biệt, hiện số lượng bệnh nhân vẫn còn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, nên hiện tại dù chúng ta đang kiểm soát, khoanh vùng rất tốt nhưng vẫn phải dự trù tình huống xấu. Vì thế luôn luôn phải trong tư thế chủ động, đánh giá chính xác, tích cực hơn mới có thể kiểm soát được dịch Bắc Giang.

"Mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm"

Bác sĩ Linh cũng tâm sự thêm, động lực để anh có thể tham gia nhiều đợt chống dịch vừa qua đó chính là hậu phương vững chắc đó là gia đình vợ con, anh em đồng nghiệp luôn ở phía sau ủng hộ, gánh vác những phần việc khi mình đang tập trung chống dịch.

Nhớ lại những ngày tháng chống dịch ở "chiến trường" Đà Nẵng, bác sĩ Linh chia sẻ, gần như anh không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm.

"Nhưng rồi mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, các bệnh nhân nặng chưa thoát được nguy hiểm, chúng tôi lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa. Chúng tôi chỉ mong sao mong dập tắt dịch, cứu được nhiều người.

Mình làm nhiệm vụ xã hội, giúp nhiều người thì sẽ không trọn vẹn chu toàn cho gia đình. Nhưng điều đó là cần thiết vì mang lại bình yên cho cả cộng đồng, người bệnh chắc chắn là niềm vui lớn nhất cho người nhà, người thân" - bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ./.

Cao Tuân - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ