• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BS Trương Hữu Khanh: Từ bệnh nhân số 22, tín hiệu vui về dịch Covid-19

Sức khỏe 20/04/2020 08:18

(Tổ Quốc) - Theo bác sĩ Khanh, hiện nay môi trường khá an toàn nhưng không có nghĩa mọi người có thể xả hơi khi vẫn đang trong những ngày cách ly.

Vì sao âm tính rồi lại dương tính?

Thông tin mới nhất là bệnh số 188 sau khi ra viện ngàyg 16/4 đến 19/4 bệnh nhân lại có kết quả dương tính trở lại.

Bệnh nhân số 22 trước đó điều trị tại Đà Nẵng sau khi xét nghiệm 3 lần có kết quả âm tính, 15 ngày sau bệnh nhân số 22 bất ngờ dương tính trở lại. Nhưng sau khi về Anh kết quả xét nghiệm Sars-CoV-2 lại âm tính.

Ngoài trường hợp trên, trước đó, các cơ sở y tế cũng ghi nhận một số bệnh nhân đang trong quá trình điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần với Sars-CoV-2 nhưng sau đó dương tính trở lại như: BN số 91, bệnh nhân số 50, bệnh nhân số 52, số 149…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết trường hợp ca số 22 không hề có triệu chứng của bệnh nhưng riêng ca 188 sau khi về bệnh nhân có dấu hiệu đau họng, không sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm dương tính. 

Với bệnh nhân số 188 chỉ cần theo dõi những người F1 của bệnh nhân vì bệnh nhân này cách ly tại nhà. Với trường hợp F1 của bệnh nhân số 22 trước đó cũng âm tính thì ta có thể đặt giả thuyết khả năng lây cho người khác thấp và bệnh nhân số 22 có thể là người lành mang trùng hoặc kết quả xét nghiệm là những xác virus được cơ thể đào thải ra.

Đây không phải là lần đầu tiên mà trước đó đầu tháng 3 cũng có bệnh nhân Hàn Quốc ở Việt Nam xét nghiệm âm tính nhưng khi về nước mới báo là dương tính và xét nghiệm xác nhận lại đều âm tính. Đây là điều đáng mừng vì ngoài cộng đồng tỷ lệ người có virus rất thấp. 

Về xét nghiệm, bác sĩ Khanh cho rằng nguyên tắc ngoáy họng là tìm gen virus, con virus, xác của virus nằm ở vùng được phết xét nghiệm. Nhưng kết quả xét nghiệm lại tuỳ thuộc test đó nhạy như thế nào: ví dụ có test chỉ 30 con virus họ đã tìm được dấu ấn virus nhưng cũng có test phải 100 hoặc lên tới 250 con virus mới báo dương tính.

Chính vì thế, với bệnh nhân số 22 có các kết quả khác nhau giữa Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và tại Anh cũng có thể do việc thực hiện loại test khác nhau cho kết quả khác nhau.

Còn bệnh nhân số 188 này có thể cấy virus để tìm tác nhân gây đau họng vì có thể không phải do virus Sars-CoV-2.

Hoặc có khả năng nhỏ là người đó là người lành mang trùng. Ở Việt Nam có những người tiếp xúc với người bệnh nhưng không có triệu chứng, qua sàng lọc xét nghiệm tìm được virus trong họng nên đưa vào điều trị,  cách ly virus tự thải hết.

BS Trương Hữu Khanh: Từ bệnh nhân số 22, tín hiệu vui về dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào loại test virus thực hiện

Theo bác sĩ Khanh, trước đây dịch Cúm A/H1N1, các bệnh nhân khi mắc cúm dù cách ly tới 9 – 11 ngày họ đều phết ra dương tính với virus cúm. Nhưng sau này các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng virus cúm chỉ lây ở giai đoạn trong 4 ngày sau khi có triệu chứng còn qua thời gian đó dù phết dương tính thì cũng không có khả năng lây cho người ngoài vì lượng virus không đủ mạnh.

Hay đối với dịch sởi, các chuyên gia truyền nhiễm cũng đưa ra khuyến cáo chỉ 4-5 ngày sau phát ban là không còn khả năng lây nhiễm mặc dù người này khi xét nghiệm vẫn dương tính với virus sởi.

Đối với bệnh Covid-19 do virus Sars-CoV-2 gây ra, bác sĩ Khanh cho biết ta cần chờ đợi thêm các nghiên cứu về khả năng lây nhiễm bao nhiêu ngày sau khi khởi phát và ở người lành mang virus có khả năng lây cho người ngoài hay không?

Môi trường đã an toàn chưa?

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay môi trường khá an toàn đó là tín hiệu vui nhưng không có nghĩa mọi người có thể xả hơi khi vẫn đang trong những  ngày cách ly.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, nguyên tắc số 1 là đeo khẩu trang. Nếu bạn chủ động mang khẩu trang và bạn là trường hợp người lành mang virus thì bạn có ho, hắt hơi cũng không thể phát tán virus ra ngoài hoặc ngược lại. Vì thế mọi người chịu khó mang theo khẩu trang và đứng xa, khoảng cách 2 mét trở lên thì virus khó mà "nhảy" từ người ngày sang người khác.

BS Trương Hữu Khanh: Từ bệnh nhân số 22, tín hiệu vui về dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Khách sạn nơi bệnh nhân số 22 lưu trú không có ai dương tính với Covid-19

Chú ý nguy cơ thói quen túm năm, tụm ba, những cơ quan đông người không mang khẩu trang, ngồi gần nhau, nhất là lúc ngồi ăn nói chuyện thì vẫn có nguy cơ lây virus cho nhau. 

Vì thế, bác sĩ Khanh cho rằng khi hoà nhập trong cộng đồng cần đảm bảo tất cả đều giữ khoảng cách, tất cả cùng đeo khẩu trang, tất cả đều thường xuyên rửa tay thì sự nguy hiểm sẽ giảm đi rất nhiều.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ còn biết phòng bệnh tới khi có vắc xin, hoặc con virus này thay đổi sinh học "hiền" hơn và sống chung với con người.

Đối với một số người, khi có dấu hiệu như sốt, ho, khó thở cần xem lại trong 14 ngày vừa qua có đi đến khu vực nào có nguy cơ, lúc nào có đeo khẩu trang không. Nếu trong gia đình có người già, người có bệnh mãn tính thì cần tự cách ly trong nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác để chờ kết quả khám bệnh – bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Ngọc Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ