(Tổ Quốc) - Quyết định của Bảo tàng Cố cung Đài Bắc (Trung Quốc) cho Bảo tàng quốc gia Tokyo, Nhật Bản mượn một bức thư pháp cổ, đã khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
Tác phẩm có tên gọi "Tế điệt cảo" (Tế cháu trai) của nhà thư pháp danh tiếng đời Đường Nhan Chân Khanh, được coi là một trong những bức thư pháp vĩ đại nhất của Trung Quốc. Bức thư pháp vốn được cất giữ tại Trung Quốc trong nhiều thế kỷ cho tới khi bị đưa sang Đài Loan vào những năm 1940. Kể từ đó, "Tế điệt cảo" thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Cố cung Đài Bắc và đây mới chỉ là lần thứ hai tác phẩm được cho mượn ra nước ngoài với mục đích trưng bày.
Nhan Chân Khanh là nhà thư pháp hàng đầu Trung Quốc
Tuy nhiên, động thái trên đã phải đối mặt với một làn sóng giận dữ từ cư dân mạng Trung Quốc. Theo BBC, tính đến thứ Ba (15/1), hashtag "Tế điệt cảo" đã được theo dõi tới hơn 260 triệu lượt trên Weibo (trang mạng xã hội của Trung Quốc). Nhiều người đã đề cập tới Nhật Bản, lịch sử chiến tranh Trung Quốc và sự chiếm đóng của Nhật Bản tại Trung Quốc…
"Bức tranh này đại diện cho trái tim và tâm hồn Trung Quốc… và họ đem nó tới Nhật Bản" một người dùng Internet phàn nàn. "Đài Loan thà đưa báu vật quốc gia của chúng ta cho Nhật Bản còn hơn là trả lại cho Trung Quốc", một người khác hướng "mũi nhọn" về phía Đài Bắc.
Tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu mặc dù không đề cập trực tiếp tới bất kỳ mối liên quan chính trị nào với sự việc, nhưng lại tiến hành phỏng vấn một chuyên gia về cổ vật văn hoá. Người này khẳng định, ánh sáng mặt trời trong quá trình vận chuyển sẽ khiến bức thư pháp bị hư hỏng. Đáp trả, một thông cáo của Bảo tàng Cố cung Đài Bắc khẳng định, tác phẩm đang trong tình trạng "ổn định và thích hợp để trưng bày ở nước ngoài".
"Nỗ lực gần đây của Chủ tịch Tập để thống nhất [Đài Loan với Trung Quốc] đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên", Giáo sư Ian Chong của Đại học Quốc gia Singapore nhận định. "Việc cho mượn tác phẩm nghệ thuật trên – vốn là một vấn đề bình thường, lại bị vướng vào giữa mớ bòng bong hiện tại".
Theo tờ Hoàn Cầu, luật pháp Trung Quốc không cho phép "các cổ vật văn hóa giá trị, đặc biệt là tranh và thư pháp" được rời khỏi đất nước.
Giáo sư Chong nói thêm, quyết định của Đài Bắc có thể được hiểu là một động thái khác của chính quyền hòn đảo nhằm thể hiện "họ không bị ràng buộc bởi luật pháp Trung Quốc".
"Nhiều lớp xung đột đang chồng lên nhau, như vị thế của Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc, căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản… Và chỉ cần một tia lửa cũng đủ làm bùng cháy mọi thứ", ông Chong chỉ ra.