(Tổ Quốc) - "Những yếu tố tăng trưởng của chúng ta, thực tế do bị đại dịch Covid-19 kiềm chế, nhưng nếu kiểm soát được dịch bệnh thì sức bật sẽ quay trở lại bằng nội lực sẵn có", TS. Trần Du Lịch cho hay.
Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.
Bên thềm Xuân mới, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc về bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2021:
- Ông có thể chia sẻ quan điểm về thành quả đạt được trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với quá nhiều khó khăn?
+ Phải nói rằng năm 2020 Việt Nam đã thành công tương đối toàn diện. Đầu tiên là kiểm soát đại dịch Covid-19. Thứ hai là chúng ta đã giữ được nền kinh tế không chỉ không bị gãy đổ mà còn tăng trưởng dương gần 3% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực suy thoái nặng. Thứ ba, chúng ta đã có được những chính sách để giữ được an sinh xã hội tương đối tốt, ngay cả trong điều kiện thiên tai nặng nề ở miền Trung và một số tỉnh Tây Nguyên.
Trong bối cảnh như vậy mà kinh tế tăng trưởng dương, rồi các chỉ số về kinh tế vĩ mô như: tài chính, tiền tệ, nợ công, nợ xấu, giảm lãi suất, ổn định giá trị đồng tiền… đã củng cố được tính ổn định của nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn định.
Năm 2020, xuất khẩu vẫn tăng, điều này thể hiện sự thành công trong chính sách hội nhập, nhất là việc thực hiện các chính sách thương mai tự do FTA thế hệ mới. Và cũng trong bối cảnh này càng cho thấy sự chống đỡ, thích nghi khá tốt của doanh nghiệp Việt Nam, trừ một số lĩnh vực quá khó khăn như du lịch, hàng không...
Kết quả này nói lên rằng, ngay từ đầu khi mới phát hiện dịch thì mục tiêu kép đặt ra là vừa ưu tiên chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ đã đạt được sự đồng thuận cao đối với toàn xã hội trong vấn đề chống dịch và cứu vãn nền kinh tế không bị sụp đổ, tạo ra sức bật tốt cho phát triển kinh tế năm 2021.
-Là một thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông có thể chia sẻ bức tranh kinh tế của năm 2021?
+ Nhìn vào dự báo kinh tế cũng như mục tiêu của đất nước, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2021 từ 5%-7%. Con số này cũng phù hợp với dự báo của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Dự báo cũng dựa trên tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế chúng ta. Những yếu tố tăng trưởng của chúng ta, thực tế do bị đại dịch Covid-19 kiềm chế, nhưng nếu kiểm soát được dịch bệnh thì sức bật sẽ quay trở lại bằng nội lực sẵn có.
Tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu, mở rộng đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công và đặc biệt là kích thích mua của thị trường nội địa… đều cho thấy khả năng của chúng ta trong năm tới.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, những mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021 là đặt trên nền tảng chúng ta kiểm soát được dịch bệnh. Dù sao thì năm 2021 vẫn còn những vấn đề vốn là trở lực của nền kinh tế liên quan đến việc tháo gỡ về thể chế, cơ chế, chồng chéo trong luật pháp, hạn chế trong thu hút đầu tư kinh doanh…
Ngoài ra, chúng ta đang tập trung vào một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là thực hiện chương trình số hóa nền kinh tế… Tôi cho rằng, việc này phải được thực hiện thật tốt để tạo ra động lực mới cho những năm tiếp theo. Hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành từ đầu năm và Nghị quyết 02 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đã đề cập hàng loạt giải pháp. Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp như vậy thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế năm 2021.
- Ông nhận định thế nào về đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021?
+ Tôi cho rằng hiện dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang khá tốt và Việt Nam đang là điểm đến mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục cải thiện hệ sinh thái trong hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, ổn định các chính sách vĩ mô cũng như các quy định liên quan đến các chính sách tài chính, thuế,… nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Có như vậy thì các dòng đầu tư mới chảy vào Việt Nam sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 với kỳ vọng Việt Nam là điểm đến an toàn.
- Có thể nói, bức tranh kinh tế năm 2021 khá sáng sủa. Vậy theo ông, đâu là lĩnh vực được kỳ vọng nhất?
+ Năm 2021, như Thủ tướng đã nói là cỗ xe tam mã, tức là tiếp tục tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư công, các công trình hiện nay đang triển khai, không được gây ách tắc... bởi tác động đầu tư công làm lan tỏa cho nền kinh tế rất mạnh.
Bên cạnh đó là tháo gỡ những chồng chéo trong các quy định pháp luật nhằm hấp thụ được nguồn vốn tư nhân mạnh hơn. Cùng với đó là kích thích nhiều hơn đối với thị trường nội địa. Chúng ta phải cân bằng sự phát triển hài hòa giữa mở rộng xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa ở thị trường gần 100 triệu dân này. Đây là những điểm tôi kỳ vọng cho năm 2021.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phát triển kinh tế bền vững theo tôn chỉ: tăng trưởng kinh tế nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế, chứ không riêng ngành nào hay lĩnh vực nào. Câu hỏi được đặt ra là, trong nền kinh tế hiện nay, những lĩnh vực nào có nhiều dư địa để phát triển? Dư địa không phải ở những ngành kinh tế cụ thể, mà chính là ở thể chế. Nền kinh tế Việt Nam còn quá nhiều dư địa để phát triển nếu tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mà trước hết là tư duy Nhà nước làm thay thị trường và ở thái cực khác là bắt thị trường làm thay Nhà nước (lạm dụng hình thức xã hội hóa).
-Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!