(Tổ Quốc) - “Cả một tàu đến hàng vài chục tấn cá mà chờ để được dán nhãn từng con cá thì rất bất cập…Nếu bớt được một thủ tục mà lại phát sinh thêm nhiều thủ tục khác, liệu rằng có nên chăng?”
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hội thảo do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cùng Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức, để tìm ra những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện đầy đủ, toàn diện chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị Quyết 19.
Tại hội thảo này, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành, doanh nghiệp được đưa ra để bàn thảo nhằm triển khai các Nghị quyết 19 của Chính phủ một cách thiết thực và hiệu quả nhất.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tổ Quốc đã ghi nhận một vài ý kiến, chia sẻ của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Bà Trần Hoàng Yến, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam đã đưa ra có ý kiến về vấn đề dán nhãn hàng hóa: Theo như Nghị định 43 (43/2017/NĐ-CP), về việc dán nhãn hàng hóa hiện nay, chúng tôi thấy rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Đơn cử như chúng tôi, khi nhập cả một tàu cá đến hàng vài chục tấn mà chờ để được dán nhãn từng con cá thì rất bất cập….Nếu bớt được một thủ tục tục mà lại phát sinh thêm nhiều thủ tục khác, liệu rằng có nên chăng? Hay như việc khai điều chỉnh bổ sung cũng vậy. Khi nhập nguyên một tàu cá về thì các doanh nghiệp chưa thể có số liệu cụ thể vì chưa phân loại và thống kê chính xác. Nên thông tin lúc đầu khai báo với thông tin sau khi đã phân loại, thống kê sẽ bị sai khớp. Lúc này, doanh nghiệp vướng vào thế khó. Vì không được khai điều chỉnh bổ sung – bên kiểm dịch không cho phép. Do đó, toàn bộ số hàng vượt lên so với thông tin khai báo ban đầu sẽ không được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu và đương nhiên không được xuất khẩu?”
Cùng chung cảm xúc bởi những quy định mang tính “làm khó doanh nghiệp” trong các mặt hàng xuất nhập khẩu, ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam nêu ý kiến: Án của tòa án tuyên còn có các mức độ sơ thẩm. phúc thẩm, đại thẩm…vậy cớ làm sao chỉ vì một cái giấy kiểm nghiệm của "anh" mà ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của doanh nghiệp, cả năm trời không làm ăn gì được. Tại sao lại quy định phải kiểm dịch với cả các sản phẩm sữa bột công thức dành cho trẻ em. Sữa đóng hộp rồi vẫn còn bóc ra kiểm tra thì tôi không hiểu?. “Đằng sau các doanh nghiệp là công nhân và nông dân…Tôi rất tâm đắc với Nghị quyết 19. Nhưng không biết có làm được không, vì tới giờ vẫn chưa thấy khởi động gì?”, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam bức xúc cho biết.
Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh Vi Phong |
Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Vũ Quốc Tuấn cũng đã chỉ ra những nghịch lý hiện đang tồn tại trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo ông Tuấn ở các nước trong khu vực Asian, họ chỉ mất 5 ngày là đã nhận được hàng, còn với Việt Nam quá trình kéo dài cả tháng trời. Ở nước ngoài, họ có trang web để đăng ký và xin giấy chứng nhận xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp chỉ cần vào đó điền đầy đủ các thông tin liên quan là xong.
Ông Vũ Quốc Tuấn đặt câu hỏi với Cục Y tế dự phòng về quy định kiểm dịch. Ảnh Vi Phong |
“Theo ý kiến cá nhân tôi thì không nên quy đinh và áp dụng đại trà việc bổ sung muối i ốt vào trong các sản phẩm thực phẩm. Bởi có nhiều sản phẩm khi chế biến ở nhiệt độ cao thì i ốt sẽ bay hơi hết. Điều này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, vì giá thành của muối i ốt tương đối cao, hơn nữa, nếu bổ sung muối i ốt vào trong các sản phẩm sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào một số thị trường như Nhật Bản, Úc. Vì họ không nhập khẩu những sản phẩm có chứa muối i ốt. Trong khi đó, với các sản phẩm của nước ngoài khi nhập vào Việt Nam mà không có muối i ốt, họ sẽ phải điều chế ra một công thức riêng cho thị trường Việt Nam...Điều này sẽ khó khăn vô cùng...”
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM nhận định: “Các quy định đã sửa phải sửa cho sáng, còn điểm mờ chưa đúng phải đấu tranh, báo cáo Chính phủ. Chúng ta phải làm sao giảm tối đa điểm mờ trong quy định của các bộ, ngành để doanh nghiệp tiên liệu. Đó không phải chỉ là rủi ro của thị trường mà còn rủi ro pháp lý có thể khiến doanh nghiệp sạt nghiệp…”
Vi Phong