(Tổ Quốc) - “Hôm nay con học được nhiều điều lắm cô ạ. Mệt nhưng mà vui. Vì con cũng muốn trở thành một nhà lãnh đạo” - một cậu bé lớp 6 vừa lau mồ hôi trên trán vừa cười toe toét khoe.
Tôi đến thăm trường True North vào một buổi sáng nắng đẹp của tháng 8. Đây cũng chính là ngày diễn ra hoạt động Leadership (dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo) - một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kéo dài 2 tuần mang tên TRAILBLAZERS (Người mở đường) của trường.
Nói thêm về TRAILBLAZERS thì sự kiện đặc biệt này bao gồm nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh các khối lớp 1 - 9. Tại đây, các em được rèn luyện nhân cách, bản lĩnh học thuật, tư duy và kỹ năng toàn cầu, cùng thể chất.
Khi tôi đến trường, thầy Tommy Nguyễn - Giám đốc vận hành True North School đang tổ chức cho các em khối 6 và 7 tham gia trò chơi “Ghi nhớ và lắp ráp lại khối lego”. Khác với hình ảnh sơ mi, quần âu nghiêm nghị thường thấy của các vị COO, thầy Tommy Nguyễn lại có phong cách cực kỳ năng động, sporty và không ngại lăn xả hết mình với học sinh.
Thấy vẻ mặt bất ngờ của tôi, một cô giáo vừa cười vừa thì thầm tiết lộ: “Ở True North, dù là CEO hay COO thì thầy cô đều không xa cách mà rất gần gũi với học trò”.
Ban đầu khi nghe tên trò chơi “Ghi nhớ và lắp ráp lại khối lego”, tôi cảm thấy khá tò mò. Liệu các học sinh True North sẽ học kỹ năng lãnh đạo ra sao nhỉ? Trò chơi này đem lại ích lợi gì? Có thực sự hiệu quả không? Nhưng rồi khi quan sát tôi mới thích thú nhận thấy mỗi trò chơi, hoạt động đều có thể mang lại cho trẻ những bài học đầy giá trị.
Một buổi học ý nghĩa của thầy trò - Tận dụng cả thể lực và trí lực
Ban đầu, các em học sinh được chia làm 3 đội chơi. Sau đó, thầy Tommy đặt 3 mẫu lego ở một chiếc bàn cách xa đó. Nhiệm vụ của 3 đội là cử từng người chạy lên bàn quan sát mẫu lego rồi chạy về cùng đồng đội lắp ráp lại. Sau khi kết thúc thời gian, đội nào lắp ráp được đúng nhất sẽ giành chiến thắng.
Ngay sau khi được phổ biến luật chơi, các đội lập tức bầu chọn ra leader và bắt tay vào bàn kế hoạch tác chiến. Đám học trò lúc này giống như các chiến binh nhí vậy, ai cũng hào hứng, hừng hực quyết tâm chiến thắng. Chốc chốc, tôi lại nghe thấy những tiếng rì rầm bàn bạc của các đội chơi: “Chiến thuật này ok không?”, “Không, chạy lên thế rồi chạy về quên hết”, “sao mình không thử cách này”, “Giờ mỗi đứa tụi mình sẽ chạy lên quan sát từng bộ phận rồi chạy về lắp riêng nhé. Đừng cố quan sát hết, chạy về đến nơi là quên đấy”,...
Trong lúc các nhóm bàn bạc, tôi không quên để ý riêng các bạn nhỏ được bầu làm leader. Các leader tuy “nhí” nhưng chững chạc ra trò. Có em nghiêng đầu, tập trung lắng nghe ý kiến của cả đội rồi “chốt” chiến lược cuối cùng, dựa trên sự bầu chọn của mọi người. Có em lại nhẹ nhàng khuyên can, đóng vai trò là người hòa giải khi đồng đội bàn bạc hăng quá mà mất bình tĩnh,... Có thể thấy, người leader không chỉ cần khả năng lắng nghe, mà còn phải biết đưa ra quyết định, đồng thời biết giữ hòa khí của tập thể.
Đến lúc thi đấu, đám học trò nhỏ mới thật sự bùng nổ. Em nào em nấy cố gắng chạy nhanh nhất, nhớ kỹ nhất có thể rồi chạy về đội, kể lại chi tiết miếng lego cho mọi người cùng lắp ghép. Lúc này, các leader nhí cũng tích cực phát huy vai trò lãnh đạo khi không ngừng cổ vũ tinh thần chiến đấu của cả team, đồng thời động viên mọi người bình tĩnh, không cuống để đầu óc minh mẫn, ghi nhớ tốt hơn.
Cả khoảng trời nhỏ vang lên những tiếng hò reo, cười vui của cả thầy lẫn trò. Có những giọt mồ hôi lăn trên má nhưng em nào cũng cười “ngoác mang tai”. Ừ thì cũng mệt đấy, vì vừa phải dùng sức, vừa phải dùng trí mà, nhưng có lẽ niềm vui được tham gia hoạt động cùng bạn bè, được thi đấu vì mục tiêu chung của cả đội thì lớn hơn nhiều. Nó xua tan cả cái mệt, cái nóng.
Kết thúc thời gian hoạt động, đội 2 - cũng chính là đội đã rì rầm bàn bạc chiến thuật “chạy lên quan sát từng bộ phận, đừng cố quan sát hết” đã giành chiến thắng chung cuộc”. Hai đội còn lại tuy có tiếc nuối nhưng ai cũng vui vẻ, tay bắt mặt mừng trước chiến thắng của đội bạn. Bởi vì sau cùng, thứ các em được hướng đến sau hoạt động này không phải “ai thắng, ai thua” mà là “quá trình vui chơi đó, các em đã học được những gì? Đã đoàn kết, cố gắng vì nhau ra sao”. Đó mới chính là điều quan trọng nhất.
Tôi cũng không quên “phỏng vấn nóng” luôn cậu bé Lê Khánh Minh, leader của đội 2. Minh năm nay học lớp 6, nét mặt lém lỉnh, tinh nghịch. Cậu bé lấy tay lau mồ hôi trên trán, miệng say sưa kể lại: “Ý tưởng của con là cả 3 bạn sẽ lên xem mẫu lego, nhưng xem một phần nhỏ thôi để cùng lắp với nhau. Đồng thời bọn con cũng chia các gam màu Red (đỏ), Green (xanh lá cây) và Blue (xanh da trời) để quan sát. Ban đầu, cả đội đưa ra 2 ý tưởng, sau đó ý tưởng của con được mọi người vote nhiều nhất”.
Sau một buổi hoạt động hết công suất, Minh gật gù cảm nhận: “Con cảm thấy để trở thành một người lãnh đạo tốt thì cần lắng nghe ý kiến của mọi người, truyền đạt lại thông tin, sau đó quyết đoán đưa ra lựa chọn cuối cùng. Sự quyết đoán rất quan trọng, nhưng lắng nghe cũng không thể thiếu. Nếu leader cứng nhắc, bảo thủ quá thì team dễ mất đoàn kết”.
Được hỏi chấm cho hoạt động Leadership bao nhiêu điểm trên thang 10, Khánh Minh cười toe toét đưa ra con số… 100, bởi cậu bé rất thích buổi học hôm nay. Không phải vì đội mình đã thắng mà đơn giản là qua hoạt động này, Minh cảm thấy cả mình và các bạn đều học được rất nhiều điều.
Gần đến trưa, nắng bắt đầu gắt hơn, cả thầy và trò lục đục di chuyển lên lớp học để có bữa ăn nhẹ bồi bổ lại thể chất. Suốt dọc đường lên lớp, đám trò nhỏ không ngừng huyên thuyên về trò chơi ghép Lego vừa rồi. Những bài học các em có được hôm nay tuy nhỏ nhưng sẽ là hành trang cần thiết trong suốt chặng đường học tập sau này.