Buôn Mê Thuột - "Điểm đến của cà phê toàn cầu" có đặc sắc văn hóa gì?
(Tổ Quốc) - Nổi tiếng với văn hoá Cồng chiêng được UNESCO công nhận là Kiệt tác và Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại, thế nhưng giờ đây Buôn Mê Thuột với bề dày lịch sử ngàn năm cùng đặc sắc văn hoá bản địa đang dần hướng đến để trở thành "Thủ phủ" Cà phê toàn cầu, đưa Đắk Lắk trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”.
Những ngày nay, tại "thủ phủ" cà phê của cả nước - thành phố Buôn Mê Thuột đang diễn ra lễ hội cà phê lần thứ 8 - năm 2023. Lễ hội năm nay được tổ chức cấp quốc gia và quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Với nhiều sản phẩm liên quan đến cà phê cũng như các chương trình văn hóa đặc sắc, Lễ hội cà phê năm nay không chỉ nhằm mục đích quảng bá văn hóa vùng Tây Nguyên nói chung mà còn kỳ vọng sẽ giúp Buôn Ma Thuột ngày càng khác biệt cho một "thành phố cà phê" của thế giới như quyết tâm và mong đợi của tỉnh Đắk Lắk cũng như mở ra những cơ hội mới cho cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn, cao nguyên Đắk Lắk mà đặc biệt là vùng trung tâm Buôn Ma Thuột là một thành phố phát triển hiện đại, năng động, đóng vai trò kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội chiến lược của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung. Thế nhưng trước khi trở thành một đô thị hiện đại, năng động như vậy, Buôn Mê Thuột đã được biết đến là quê hương của Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của Việt Nam được UNESCO công nhận - văn hóa Cồng chiêng. Và điều khiến vùng đất này có được vinh dự ấy chính là nhờ vào bề dày lịch sử hàng ngàn năm cùng văn hóa bản địa đặc sắc.
Lịch sử của vùng đất đỏ bazan này đã bắt đầu từ hàng ngàn năm trước. Nhiều tư liệu khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của người Việt cổ như trống đồng và các hiện vật bằng đồng có dáng dấp và đồ án hoa văn mang đậm nét văn hóa Đông Sơn (khoảng thiên niên kỷ thứ I trước Công Nguyên và chấm dứt vào thế kỷ II sau Công Nguyên) rải rác khắp cả Bắc và Nam Tây Nguyên. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương phát hiện được nhiều trống đồng nhất với 16 hiện vật.
Đặc biệt, hai đợt khảo cổ được tiến hành tại Buôn Triết (huyện Lắk, Đắk Lắk) và Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Nông) vào năm 1993 và 1995 do GS. Hoàng Xuân Thông (Viện Khảo cổ Việt Nam) dẫn đầu đã tìm thấy được rìu đá, bàn mài và đặc biệt là rất nhiều chài lưới dùng để bắt tôm, cá…, cho phép các nhà chuyên môn nhận định: Địa bàn cư trú của con người ở đây thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, có niên đại cách đây trên dưới 3.500 năm.
Ngoài ra, trong Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, nơi đây được biết đến là địa bàn của hai 'cổ quốc' Thủy Xá - Hỏa Xá, cội nguồn của người Ê đê, M’nông, Gia Rai.
Những phát hiện của các nhà khoa học đi trước, hiện tại và cả trong tương lai đang dần vén bức màn về sự bí ẩn của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Và Buôn Mê Thuột - hạt nhân trung tâm của vùng kinh tế, văn hóa - địa chính trị đặc biệt ấy cũng góp phần không nhỏ để làm nên bề dày lịch sử ngàn năm và nền văn hóa đặc sắc riêng của vùng đất Tây Nguyên.
Cùng với sự xuất hiện của người tiền sử, Buôn Mê Thuột cũng là vùng đất có lịch sử hình thành địa chất và xã hội từ rất lâu đời. Sở hữu một địa hình cảnh quan vô cùng đa dạng, với cao nguyên chồng lớp trên độ cao 536m so với mực nước biển, và phần lớn diện tích cao nguyên là đất đỏ bazan màu mỡ được hình thành từ sự phun trào núi lửa cách đây 160 triệu năm, xen kẽ với đồi núi, bình nguyên và thung lũng.
Nhưng có lẽ, văn hóa chính là thỏi nam châm hút đông đảo du khách đến với vùng đất đỏ bazan này. Buôn Ma Thuột là minh chứng rõ ràng nhất về sự phong phú bản sắc văn hóa nơi cao nguyên đất đỏ với hơn 44 dân tộc anh em chung sống. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã đưa du khách đến gần hơn với vùng đất bí ẩn này. Và qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, tiếng cồng chiêng vẫn không ngừng ngân vang, đi theo con người Buôn Ma Thuột từ lúc lọt lòng đến khi về với mẹ đất, hòa quyện cùng gió núi, mây ngàn, và nuôi dưỡng tâm hồn những người dân bản địa nơi đây.
Sự tồn tại của 44 dân tộc anh em nơi cao nguyên còn tạo ra một "kho tàng" văn hóa đồ sộ khác: kiến trúc nhà dài, nhà rông, các sản phẩm làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc,… và các di sản văn hóa phi vật thể, những lễ hội, phong tục độc đáo như: Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa..., cùng những bản sử thi, thần thoại..., Tất cả đó là tinh hoa được chắt lọc ngàn đời mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Đứng dưới bóng thời gian lịch sử, ngắm nhìn những đổi thay của Buôn Ma Thuột hôm nay càng ngỡ ngàng, chiêm nghiệm được rằng tinh hoa, hào khí từ quá khứ đã và đang được tiếp tục kế thừa, tỏa sáng, tạo nên niềm tin lớn, sức mạnh lớn trong quyết tâm bứt phá và phát triển thành một đô thị năng động và giàu bản sắc.
...đến "Thủ phủ cà phê".
Nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, thế nhưng giờ đây Buôn Mê Thuột - vùng đất chứa đựng bề dày lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc còn được biết đến là "thủ phủ" cà phê Việt Nam và toàn cầu. Những vườn cà phê bạt ngàn với mùa hoa cà phê trắng muốt, hay mùa thu hoạch với những trái cà phê đỏ chín mọng trĩu cành cùng hương vị cà phê đậm đà mang linh hồn của vùng đất thiêng và linh hồn của con người Buôn Ma Thuột.
Được phát hiện từ thế kỷ thứ 9, đến nay cà phê đã trở thành thức uống phổ biến được ưa chuộng trên toàn cầu với hơn 2,5 tỷ người dùng. Thế nhưng, không phải nơi nào trên trái đất này cũng canh tác được cà phê. Và Buôn Mê Thuột là một trong những vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đặc ân ấy. Và cũng từ vùng đất này sản sinh ra loại cà phê ngon nhất thế giới - Robusta với phẩm chất thực sự khác biệt.
Cà phê Việt Nam được trồng chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước, đóng góp sản lượng tới hơn 30% tổng sản lượng cà phê toàn quốc. Là cường quốc số 1 về xuất khẩu cà phê Robusta, Việt Nam đóng vai trò chính trong việc cung cấp nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan đang tăng trưởng mạnh trên toàn cầu.
Đặc biệt, năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,78 triệu tấn cà phê trong năm vừa qua với tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Thành tựu này của ngành cà phê đạt được trong bối cảnh chúng ta có lợi thế về giá khi thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.
Trong năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 14% so với năm 2021, trong khi sản lượng chỉ tăng 9% từ 1,74 triệu tấn lên 1,89 triệu tấn (theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Tuy những tiềm năng mà cây cà phê mang lại cho nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng là rất lớn, thế nhưng có một thực trạng không thể bàn cãi rằng: "Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đặt ra vấn đề như vậy tại Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?".
Trước vấn đề đó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hoan gợi mở: Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới là điều chúng ta phải suy nghĩ… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về cà phê Robusta.
Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Arabica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn 2 dòng này lại?
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đưa ra những ý kiến về việc "phát triển toàn diện" cà phê và gợi mở:
"Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là 1 loại thức uống. Rất nhiều ngành kinh tế phát triển từ cây cà phê như mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê hay thuốc nhuộm vải, sợi, giày… Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta còn đang làm thô...".
Đồng ý với quan điểm này của Bộ trưởng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đưa ra ý kiến về nâng cao giá trị cho cà phê Việt, trước hết phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch, truyền thông cho nông dân về trồng cà phê đúng tiêu chuẩn. Bởi người tiêu dùng vẫn là người quyết định để nâng cao giá trị cà phê.
Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích với 710.000 ha. Tuy nhiên, dù chúng ta có Robusta ngon nhất, dù đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói: "Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê... nhưng thành công hay không còn do chính quyền địa phương hợp sức cùng doanh nghiệp, tác động để bà con nông dân cùng làm, nếu nông dân không thay đổi thì rất khó". Chính vì vậy, mỗi người tiêu dùng hãy cùng người nông dân trồng cà phê, doanh nghiệp chung tay để nâng cao giá trị cho ngành cà phê Việt Nam.
Và Đắk Lắk - quê hương của hạt Robusta ngon nhất thế giới, cùng sự thay đổi từng ngày của thị trường cà phê, chúng ta có thể đặt niềm tin vào tương lai của cà phê Việt Nam.