• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bứt phá từ trụ cột "Dịch vụ hàng không - Du lịch"

Du lịch 16/12/2022 21:01

(Tổ Quốc) - Chiều 16/12 tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp: Giải pháp tạo sự bứt phá từ trụ cột "Dịch vụ hàng không-Du lịch".

Tham dự Hội nghị có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ). Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, cùng hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và các chuyên gia hàng không - du lịch.

Đây là lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo cấp cao của hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau ngồi lại để thảo luận những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho ngành dịch vụ hàng không-du lịch trong chặng đường phục hồi đầy khó khăn phía trước.

Bứt phát từ trụ cột "Dịch vụ hàng không - Du lịch" - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đánh giá, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Đà phục hồi kinh tế đến từ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và được hỗ trợ bởi các trụ đỡ nông nghiệp, sự phục hồi nhanh của khu vực sản xuất, chế biến và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực.

Việt Nam mở cửa lại sau Covid-19 rất sớm, từ ngày 15/3/2022, tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng, lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

"Tại hội nghị bàn tròn này, rất mong các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất các hướng đi, cách thức đạt được mục tiêu phục hồi du lịch quốc tế. Những khuyến nghị đưa ra tại hội nghị sẽ được thực thi, để ngành du lịch- hàng không đạt được các mục tiêu đã đề ra không chỉ trong năm 2023 mà còn nhiều năm tiếp theo", ông Lê Quốc Minh nói.

Tại hội nghị, ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách nhưng du lịch quốc tế không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến. Ước tính cả năm, Việt Nam sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu lượt khách đến vào năm 2022 và tạo doanh thu khoảng 4,5 tỷ USD.

Bứt phát từ trụ cột "Dịch vụ hàng không - Du lịch" - Ảnh 2.

Ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phát biểu tại Hội nghị.

Khách du lịch quốc tế đến đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch. Trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch.

Dẫn chứng các câu chuyện thành công của du lịch các quốc gia trong khu vực sau khi mở cửa, ông Chris Farwell cho hay vấn đề tăng thời gian miễn thị thực trên 30 ngày cho khách quốc tế là một trong những nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, đại diện TAB cho rằng, Việt Nam chưa có Kế hoạch cấp quốc gia về Phục hồi ngành Du lịch và Khách sạn. Ngoài ra, ngành du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên hoặc cấp vùng hay khách du lịch nội địa để "nuôi sống" ngành. Việt Nam cũng đang thiếu một tổ công tác bao gồm tất cả các bên liên quan chính gồm Chính phủ và khu vực tư nhân cùng phối hợp làm việc để xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia phục hồi ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Chris Farwell nếu chúng ta muốn thúc đẩy phục hồi kinh tế và bù đắp cho việc chúng ta đang phải đối mặt với một số thách thức và trở ngại – những điều sẽ có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, thì chúng ta cần phải hành động nhanh chóng và quyết tâm cao, và phải có những ưu đãi để mời gọi khách tới.

"Con đường để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn và trở lại với mức đóng góp hơn 10% vào GDP đã được xác định rõ nhưng sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng và Chính phủ cần khẩn cấp hỗ trợ ngành du lịch ngay thời điểm này" ông Chris Farwell nói.

Bứt phát từ trụ cột "Dịch vụ hàng không - Du lịch" - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại hội nghị bàn tròn, các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung thảo luận, nhận diện thẳng thắn những điểm nghẽn chính cản trở mục tiêu đạt mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đồng thời thống nhất đề xuất các giải pháp cấp bách cho năm 2023 để hàng không - du lịch thực sự phục hồi, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị toàn quốc sắp diễn ra. Trong đó, nhấn mạnh tới các yếu tố như thị thực (tăng số nước được miễn thị thực, kéo dài thời gian miễn thị thực); hoàn thiện các chính sách, cơ chế tạo điều kiện thúc đẩy sự phục hồi của du lịch bằng việc thành lập tổ công tác đặc biệt phục hồi du lịch quốc tế đến của Việt Nam.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ