(Tổ Quốc) - Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành công trình mang tính biểu tượng văn hóa của người dân thủ đô và du khách quốc tế. Hình ảnh tòa nhà in bóng dưới mặt nước hồ Gươm, đã quá đỗi thân thương và quen thuộc với biết bao thế hệ người Hà Nội…
Bưu điện Hà Nội đã chính thức mang tên "VNPT Hà Nội"
Bưu điện Hà Nội bị "khai tử"
Hơn một năm nay, người dân thủ đô đã không còn "tìm" được Bưu điện Hà Nội nữa, mặc dù công trình này vẫn đang tồn tại. Sở dĩ lại nói như vậy, bởi cái tên Bưu điện Hà Nội – địa chỉ quen thuộc của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất Hà thành này đã chính thức bị "khai tử". Thay thế cho cái tên Bưu điện Hà Nội là "VNPT Hà Nội".
Bưu điện hà nội - Mai Hoa Đỗ
Rõ ràng vẫn công trình ấy (Bưu điện Hà Nội), nhưng đã được "cách tân" bằng cách thay tên thành "VNPT Hà Nội". Liệu rằng đây có phải là một sự sáng tạo?
"Sáng tạo ở đâu, tôi không biết và không thấy, nhưng có một điều dễ nhận thấy là Hà Nội đã bị mất đi một điểm đến, một điểm nhấn. Cái tên Bưu điện Hà Nội và công trình này không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn chứa đựng giá trị lịch sử của Hà Nội. Khách quốc tế khi đến Hà Nội đều tìm đến Bưu điện Hà Nội để thăm quan, giao dịch…Vậy mà nay công trình này lại đổi tên thành VNPT Hà Nội thì tôi không hiểu là cớ làm sao?", bác Vũ Văn Thanh (70 tuổi, ở Hàng Khay) nói.
Dấu tích lịch sử của công trình này
Bác Trần Đức Tâm (76 tuổi, Đinh Tiên Hoàng) cho biết, đối với người Hà Nội, biểu tượng chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Trung tâm – Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành hình ảnh thân thương, đồng thời là biểu tượng cột mốc số 0 của thành phố. Trên thế giới, trụ sở bưu chính thường được mặc định là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố. Bưu điện Hà Nội là một trong những công trình lâu đời, trải qua bao thăng trầm lịch sử với thủ đô. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây đều có những dấu ấn quan trọng.
"Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô. Nhìn vào biểu tượng này, nghe tiếng chuông đồng hồ trên nóc tòa Bưu điện Hà Nội là gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm của một thời kỳ gian khổ nhưng hào hùng. Việc thay đổi tên của công trình như hiện nay là không hợp lý và không phải sáng tạo bởi vẫn chỉ là bình mới rượu cũ…", bác Tâm chia sẻ.
Biểu tượng một thời của thủ đô nay đã không còn
Trả lại đúng giá trị lịch sử, văn hóa cho công trình
Cũng theo bác Tâm, các cấp lãnh đạo thành phố nên xem xét và trả lại đúng cái tên Bưu điện Hà Nội cho công trình này, chứ để như hiện nay thì mất hết ý nghĩa và giá trị lịch sử của công trình.
Đồng quan điểm này, bác Dương Thị Loan (73 tuổi, Ngô Quyền) cũng kiến nghị: "Chúng tôi sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, chiến đấu và chiến thắng cùng mảnh đất này để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Hà Nội của chúng ta ngày càng đẹp và phát triển thêm nhưng, phát triển không có nghĩa là xóa bỏ hết cái cũ để xây cái mới. Sở dĩ Hà Nội được yêu thích, được cho là thành phố vì hòa bình là bởi có nhiều công trình văn hóa, lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô… nếu cái nào cùng bỏ hết thì đâu còn Hà Nội nữa. Vì thế, tôi mong muốn các cơ quan ban ngành cần nhanh chóng trả lại đúng cái tên Bưu điện Hà Nội cho công trình này…".
"VNPT Hà Nội" đã chính thức khai tử Bưu điện Hà Nội.
Bưu điện Hà Nội - tiền thân là Sở Bưu điện Hà Nội là một trong những công trình được xây dựng từ khá sớm, kể từ khi Hà Nội bắt đầu được quy hoạch và mở rộng với khu vực hồ Gươm làm trung tâm. Điểm nhấn của công trình là tháp đồng hồ điểm có 4 mặt giống nhau, mỗi mặt vuông cạnh rộng 4,5m vuông. Từ năm 1978, những tiếng chuông của đồng hồ đã chính thức vang lên.
Từ lâu, Bưu điện Hà Nội không chỉ là một trung tâm bưu chính viễn thông lớn mà còn là một điểm tham quan thu hút nhiều du khách gần xa, cùng với tháp Rùa – hồ Gươm, Nhà hát Lớn, trung tâm Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên… Vì thế, việc bỗng nhiên bị "khai tử" là chuyện không dễ chấp nhận. Tại sao Bưu điện Hà Nội thành "VNTP Hà Nội" ? Dư luận nói chung và người dân Thủ đô nói riêng đang cần một lời giải thích từ các cơ quan có thẩm quyền./.