(Tổ Quốc) - Thông qua dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng là “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách hành chính…
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã luôn tập trung mọi nguồn lực để duy trì và phát triển mạng lưới điểm phục vụ đảm bảo phủ khắp trên cả nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp, từng bước hiện đại hóa nền hành chính công là mục tiêu chúng ta đang thực hiện trong thực hiện cải cách hành chính.
Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch HĐTV VNPost về kết quả sau 1 năm thực hiện.
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện tại bưu cục Hồng Bàng, Tp. Hải Phòng. |
-Năm 2016, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) bắt đầu triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Xin ông chia sẻ quan điểm về ý nghĩa, lợi ích của việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích?
+Hiện nay số lượng các hồ sơ thủ tục hành chính trên cả nước rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn mỗi ngày. Thời gian qua, nhằm khắc phục các hạn chế của việc cung cấp các dịch vụ HCC, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, Chính phủ và các cơ quan hành chính đã có các chủ trương, biện pháp để cải cách hành chính nhưng hầu hết người dân vẫn phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, bộ phận một cửa liên thông, Trung tâm HCC để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Việc người dân đến trụ sở cơ quan giải quyết TTHC để nộp hồ sơ và nhận kết quả không chỉ trở thành một áp lực đối với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính mà người thực hiện thủ tục cũng làm mất thời gian, công sức cũng như chi phí đi lại, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Để cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, gia tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 19/10/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg Về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc ban hành Quyết định này có ý nghĩa rất lớn đối với toàn xã hội, bởi nó đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cũng như lợi ích xã hội.
Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, tăng sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính và quan trọng hơn cả là tôn trọng sự tự nguyện của người dân trong việc lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục hành chính.
Khi cơ quan hành chính không chịu áp lực quá lớn về việc giải quyết thủ tục hành chính thì các chuyên viên tại cơ quan này cũng sẽ giành nhiều thời gian để tập trung làm tốt các công việc chuyên môn của đơn vị hơn. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu chính công ích không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân, giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân, mà còn giảm tình trạng tiêu cực, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra nếu giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông và thời gian đi lại để đến cơ quan hành chính làm các thủ tục cũng sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông trên cả nước.
- Sau 1 năm thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?
+Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 26/3/2017 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg; Thông tư số 22/2017/TT-BTTTT ngày 29/9/2017 quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là khung pháp lý quan trọng để thực hiện việc nhận gửi hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhân viên Bưu điện cùng cán bộ hành chính tại bộ phận Một cửa kiểm tra, đối chiếu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. |
Sau 1 năm thực hiện Quyết định số của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 100% Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thủ tục hành chính đã thực hiện rà soát, công bố các thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. 61/63 tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - doanh nghiệp bưu chính duy nhất tại Việt Nam được giao triển khai các nhiệm vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, các Sở, ngành, quận, huyện tại các địa phương này cũng ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh, thành phố để triển khai việc tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua Bưu điện. Tất cả các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã hỗ trợ Bưu điện Việt Nam tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra giấy tờ, các điểm cần lưu ý khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ của người dân, để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được chính xác, nhanh chóng, an toàn.
Giai đoạn đầu triển khai, tổng số điểm đăng ký cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích tại 63 Bưu điện tỉnh, thành phố là: 3.899 điểm, bao gồm toàn bộ Bưu cục cấp 1, 2, các Bưu cục cấp 3 và một số Bưu điện - Văn hóa xã.
Với sự ủng hộ, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố năm 2017, đã có hơn 8 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện. Điển hình là các lĩnh vực: tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã Hội (giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, thất nghiệp); cấp đổi giấy phép lái xe; cấp lý lịch tư pháp; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp bản sao bằng tốt nghiệp; thủ tục xin nhận con nuôi; cấp và cấp lại các chứng chỉ, chứng nhận về y, dược, bán thuốc bảo vệ thực vật; bản sao giấy khai sinh; đăng ký thành lập doanh nghiệp,…
Đặc biệt, trong năm qua việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính luôn được thực hiện theo đúng quy trình nghiệp vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định. Đa số các cơ quan hành chính và khách hàng đều đánh giá cao những lợi ích mà dịch vụ mang lại, đồng thời ghi nhận nhân viên tiếp nhận hồ sơ, trả kết có tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, nhiệt tình.
Thông qua dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng là “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách hành chính qua đó khái niệm hành chính công một cửa, hành chính công một cửa liên thông sẽ đúng hơn bao giờ hết; đồng thời việc triển khai này cũng giúp người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi và chi phí đi lại trong thực hiện các thủ tục hành chính tại tất cả các lĩnh vực.
-Ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc khi triển khi Quyết định này?
+Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác thông tin tuyên truyền đến từng người dân tại các xã, phường vẫn chưa được sâu, rộng nên người dân chưa biết đến dịch vụ để sử dụng. Bên cạnh đó, phần lớn người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để làm trực tiếp, tâm lý còn e ngại và chưa quen khi đến Bưu điện để gửi hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính. Một số thủ tục hành chính có yêu cầu cao về mặt hồ sơ người dân vẫn muốn gặp trực tiếp cơ quan giải quyết Thủ tục Hành chính để được tư vấn.
Ngoài ra, hiện nay một số cơ quan hành chính mặc dù đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ qua Bưu điện nhưng chưa chỉ đạo quyết liệt đến các bộ phận để triển khai nên việc phối hợp chưa hiệu quả. Hiện nay việc công bố danh mục thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã được thực hiện, tuy để triển khai, ngoài văn bản hướng dẫn, các đơn vị phải phối hợp với các Sở/Ban/Ngành trên địa bàn đào tạo tập huấn cho toàn bộ đội ngũ có liên quan về nghiệp vụ. Tuy nhiên việc đào tạo, tập huấn này vẫn chưa được triển khai rộng tại các cấp sở, ngành, quận, huyện nên việc triển khai cung cấp dịch vụ tại một số nơi còn chậm.
- Có thể nói, việc thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của VNPost đã thể hiện phương châm Bưu điện Việt Nam như cánh tay nối dài của cơ quan công quyền, là điểm đến của người dân. Với trách nhiệm quan trọng đó, xin ông cho biết về kế hoạch triển khai Quyết định này trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo?
+Tại Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Bưu điện Việt Nam không chỉ là “cánh tay nối dài”, mà còn là bộ mặt” của bộ máy hành chính và phải hướng tới là đại diện của chính quyền, cơ quan hành chính.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ trả chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến tận địa chỉ yêu cầu, trong năm 2018 Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cung cấp dịch vụ, đặc biệt là chuẩn hóa các công đoạn cung cấp dịch vụ hành chính công để vừa đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý hành chính vừa tạo sự thuận tiện, đơn giản cho người dân khi tiếp cận dịch vụ tại các bưu cục giao dịch. Đặc biệt, xác định khi đăng ký giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện, người dân và các tổ chức sẽ gửi lại nhiều giấy tờ quan trọng, chính vì vậy Chúng tôi sẽ tăng cường hệ thống kiểm tra giám sát thường xuyên trong quá trình vận hành khai thác.
Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng tiếp tục đầu tư, nâng cấp và khang trang toàn bộ cơ sở hạ tầng bưu điện, bao gồm các công cụ, dụng cụ trên toàn mạng lưới nói chung và các trang thiết bị dành riêng cho dịch vụ hành chính công nói riêng. Việc đầu tư, khang trang này sẽ được làm đồng bộ tử cấp tỉnh xuống huyện và cấp xã. Chúng tôi xác định đây là việc làm rất cần thiết, bới các cơ sở Bưu điện đang ngày càng hướng tới trở thành một điểm phục vụ để người dân và các tổ chức tới thực hiện các dịch vụ hành chính công, do vậy bưu cục cần phải là những môi trường văn minh, lịch sự.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm quan khu vực cấp đổi giấy phép lái xe qua Bưu điện. |
Người Bưu điện sẽ trở thành nhân viên hành chính của cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp xúc và cung cấp dịch vụ, do vậy vấn đề đào tạo và bổ sung kiến thức, kĩ năng nhất là các thủ tục hành chính rất quan trong chính vì vậy trong năm qua và tới đây Bưu điện Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành trên cơ sở các danh mục để xây dựng chương trình đào tạo trên toàn mạng lưới. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bài bản, chi tiết tới từng cán bộ, giao dịch viên trực tiếp triển khai dịch vụ này.
Nói đến cung cấp dịch vụ hành chính công không thể không nói tới việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh sử đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm, các thiết bị mới của các Bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân, Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin và tất cả các ứng dụng hiện nay đang triển khai và tiếp tục mở rộng nâng cao và trang bị, lắp đặt mới, đáp ứng yêu cầu kết nối mạng tin học của Bưu điện Việt Nam với các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cổng thông tin của Chính phủ.
Một điểm nữa, trong năm 2018 chúng tôi sẽ đẩy mạnh triển khai hơn năm qua là phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới từng người dân để người dân hiểu về những lợi ích rất thiết thực khi làm các thủ tục hành chính qua Bưu điện, sự tin cậy và an toàn khi sử dụng dịch vụ này.
Tuy nhiên bên cạnh sự cố gắng của Bưu điện Việt Nam, chúng tôi mong các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện, cụ thể như: thường xuyên rà soát, đánh giá xem xét các thủ tục hành chính đang thực hiện để làm sao đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình tạo thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; tổ chức thông tin tuyên truyền tới từng người dân tại các cơ quan hành chính, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở…
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang