(Tổ Quốc) - Ngày 9/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia với mong muốn tạo một cầu nối điện tử "thực chất, liên tục, hiệu quả" giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trong cả nước.
Hiện cổng đang có hơn 11.300 tài khoản được tạo, hơn 9.300 hồ sơ đăng ký 8 nhóm dịch vụ công trên Cổng. Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố tại cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn VNPT nhằm phối hợp đẩy mạnh Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về việc phối hợp xây dựng, tích hợp giải pháp định danh, xác thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bưu điện Việt Nam đã xây dựng hệ thống định danh xác thực PostID. Qua kiểm thử, hệ thống cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Để triển khai rộng rãi, Tổng công ty cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho các Bưu điện tỉnh, thành phố.
Đối với việc định danh, xác thực điện tử, thời gian tới đây Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh việc tạo tài khoản cho các tổ chức, cá nhân để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc tạo tài khoản sẽ được thực hiện linh hoạt dưới nhiều hình thức để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có thể tự đăng ký trên hệ thống PosID sau đó mang giấy tờ đến điểm Bưu điện gần nhất để kiểm tra, xác minh, kích hoạt tài khoản, hoặc trực tiếp đến điểm giao dịch của Bưu điện xuất trình giấy tờ để được hỗ trợ tạo tài khoản. Ngoài ra các nhân viên Bưu điện cũng chủ động giới thiệu và tạo tài khoản PosID cho các khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của bưu điện.
Với những dữ liệu khách hàng hiện có, Bưu điện Việt Nam sẽ cung cấp tài khoản PostID cho các cá nhân, tổ chức đã được xác minh này và tuyên truyền, hướng dẫn để khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu nộp hồ sơ trực tuyến sẽ sử dụng để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, với dữ liệu khách hàng đã được xác minh này, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Cổng dịch vụ công quốc gia trong việc kiểm tra chéo thông tin của cá nhâ, tổ chức.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Vinh, để gia tăng lượng người truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt người dân ở địa bàn nông thông, vùng sâu, vùng xa truy cập và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại các bưu cục, điểm BĐVHX. Ngoài ra Bưu điện Việt Nam cũng sẽ phối hợp tích hợp bản đồ số Vmap, mã bưu chính quốc gia lên Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng tiện ích, thu thút cá nhâ, tổ chức truy cập, sử dụng các dịch vụ.
Một trong những điểm nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là việc đối soat, thanh toán các khoản phí, lệ phí, giải quyết các vấn đề phát sinh cũng sẽ khá phức tạp. Vì vậy cần phải có đơn vị có năng lực, khả năng đứng ra làm đầu mối giữa người dân, đơn vị thanh toán. Tại buổi họp, đại diện của Bưu điện Việt Nam cho biết với mạng lưới lên tới hơn 13.000 điểm phục vụ, phủ rộng đến tận cấp xã cùng kinh nghiệm nhiều năm thực hiện thu hộ, chi hộ cho các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp với mức trung bình đạt 17 triệu giao dịch/tháng. Bưu điện Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt việc nhận hộ, thu hộ các khoản phí, kệ phí khi cá nhâ, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công qua gia.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện Bưu điện Việt Nam và Bộ Nội Vụ, Học viện Hành chính quốc gia đang phối hợp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực các cấp để đảm bảo nhân viên Bưu điện có trình độ như chuẩn của cán bộ viên chức, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Để đẩy mạnh việc định danh xác thực, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao cho các đơn vị như Trung tâm chứng thực chữ ký số, Bưu điện Việt Nam khẩn trương thực hiện tại các giải pháp để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với việc tuyên truyền về Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các đơn vị liê quan thuộc Bộ tổ chức thông tin, tuyên truyền đến đông đảo người dân, doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt sẽ huy động sự vào cuộc của hệ thống loa truyền thanh cơ sở để đảm bảo từng người dân đều nắm rõ các thông tin liên quan đến Cổng.
Đánh giá rất cao sự phối hợp đầy trách nhiệm của Bưu điện Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và xây dựng cổng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định các điểm phục vụ của Bưu điện, đặc biệt là BĐ-VHX có ý nghĩa rất lớn trong triển khai các dịch vụ hành chính công. Văn phòng Chính phủ ủng hộ cách làm của Bưu điện Việt Nam hiện nay với Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ trưởng cho biết, chỉ sau vài ngày khai trương Hiện cổng đang có hơn 11.300 tài khoản được tạo, hơn 9.300 hồ sơ đăng ký 8 nhóm dịch vụ công trên Cổng. Trong đó chủ yếu là các yêu cầu thực hiện đổi giấy phép lái xe, cấp điện mới từ lưới điện trung áp, hạ áp; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất; thông báo hoạt động khuyến mại... Điều này cho thấy sự đúng hướng trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và mang lại cải cách trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên hiện nay Cổng mới kết nối với 4 Bộ (Giao thông vận tải, Tài chính, Công thương, Bảo hiểm xã hội), 58 địa phương. Trong thời gian tới, tập đoàn VNPT cần đẩy nhanh việc kết nối, đưa các dịch vụ công cấp độ 3, 4 lên Cổng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu việc kết nối, xác thực thanh toán, trả hồ sơ tại nhà phải đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo mật trên toàn hệ thống.