• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cả Hollywood chống lại Trump: Cuộc chiến của một nước Mỹ chia rẽ

Văn hoá 10/01/2017 14:21

(Tổ Quốc) - Quan hệ đối đầu giữa cựu ngôi sao truyền hình – nay là tân Tổng thống, với giới giải trí chưa bao giờ "hạ nhiệt”.  

Có lẽ chỉ có ở Hollywood, người ta mới có thể chứng kiến chỉ một bài phát biểu cám ơn khi nhận giải, lại có thể cuốn tất cả - từ những học giả uy tín, giới báo chí săn tin… cho đến cả Tổng thống mới đắc cử - vào một một “cơn bão” khổng lồ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, phía sau những lời chia sẻ của nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep trong Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2017 vừa diễn ra hôm 08/01 vừa rồi, là một câu hỏi lớn hơn: Liệu Hollywood – với những bom tấn của mình, vẫn luôn làm mọi cách để giành được sự hài lòng của khán giả  – có tiếp tục trở thành một thế lực có thể thay đổi được nước Mỹ ngày nay?

Giới giải trí – bao gồm âm nhạc, phim ảnh, tiểu thuyết và TV – vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng mới và tạo ra những chuyển biến trong xã hội. Tuy nhiên, những thay đổi trong công nghệ và văn hóa đã đem đến thêm nhiều áp lực cho ngành công nghiệp này, “ép” họ sản xuất ra những tác phẩm nhằm “thỏa hiệp” với nhu cầu của người xem, hơn là mang tính thử thách.

Ngôi sao từng 19 lần được đề cử giải Oscar, Meryl Streep – trong một buổi tối, khi tài năng, sự nghiệp và nhân cách của mình được tôn vinh – đã chia sẻ với các đồng nghiệp rằng, cả điện ảnh và truyền hình cần tiếp tục tạo ra thay đổi, ngay cả thời điểm phải đối mặt với vô vàn áp lực. Và theo các chuyên gia chính trị, với khán giả đang ngày càng tới gần một kỷ nguyên bao gồm cả sự đa dạng và chia cách, những gì Streep mong muốn, sẽ trở nên vô cùng quan trọng.

Meryl Streep gây "bão mạng" với bài phát biểu tại Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2017

“Streep đang tha thiết đề ra một tầm nhìn cho điện ảnh Hollywood, trong vai trò một thể loại nghệ thuật, một phương tiện để thấu hiểu và cảm thông,” Aram Sinnreich, Giáo sư truyền thông tại Đại học America, Washington D.C. cho biết. “Đây là một lời kêu gọi tiên phong, hướng tới cả các thành viên Hollywood và khán giả của họ về nhiệm vụ phải bảo tồn những gì tốt đẹp của nơi đây,” Sinnreich nói.

Làng giải trí có lập trường của mình?

Trong bài phát biểu cám ơn sau khi được trao giải Thành tựu trọn đời, nữ diễn viên Meryl Streep đề cập đến việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump từng chế giễu một nhà báo khuyết tật vào năm ngoái và hy vọng đồng nghiệp và báo chí sẽ chống lại những hành động tương tự.

“Chúng ta cần phải có một nền báo chí quy củ để kiểm soát quyền lực, để lên án họ [những người có quyền] trước từng hành vi sai trái”, Streep nói, đồng thời kêu gọi mọi người ủng hộ cho Ủy ban Bảo vệ các nhà báo. “Và chúng ta phải nhắc nhở nhau không quên những đặc ân và trách nhiệm về lòng cảm thông”.

Theo truyền thông, những gì ngôi sao gạo cội chia sẻ, không chỉ phản chiếu nỗi lo ngại đang ngày một dâng cao trong cộng đồng người thiểu số, đa sắc tộc và đa giới tính (LGBT) tại Mỹ, kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Mười một năm ngoái; nó còn “thách thức” Hollywood và văn hóa – nghệ thuật tham gia phong trào đối kháng lại những nỗ lực làm giảm bớt vai trò của người thiểu số mà chính quyền mới đang hướng tới.

Ngôi sao đề tên Donald Trump trên Đại lộ danh vọng bị "đối xử" rất tệ bạc

“Điều bà ấy đang làm đó là kêu gọi các tâm hồn của Hollywood và mọi thứ nó đại diện, để đảm bảo rằng, ngành công nghiệp này sẽ không yên lặng sau khi Trump chính thức nhậm chức… nếu ông ấy thực sự thực thi tất cả những gì mình từng nói,” Paul Levinson, nhà văn, Giáo sư tại Đại học Fordham, New York nói.

Những phản ứng ban đầu khá tích cực. Ủy ban bảo vệ Nhà báo cho biết, sau bài phát biểu của Streep, hàng trăm người đã quyên góp cho tổ chức này. Một vài nhà bình luận chỉ ra rằng, lời kêu gọi bắt người Hồi giáo phải đăng ký, và lập ra một “danh sách đen” của giới trí thức, đã gợi nhớ đến chủ nghĩa McCarthy – một thuật ngữ dùng để chỉ những lời buộc tội thiếu suy nghĩ, vô căn cứ cũng như công kích công khai nhằm vào tính cách hoặc thái độ của các đối thủ.

“Nếu tôi là một nghệ sỹ lương tâm tại Hollywood bây giờ, tôi sẽ làm mọi việc có thể để tổ chức, hướng người xem nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật, trong vai trò một phương tiện thể hiện sự đa quan điểm và là một nền tảng đề cao sự khác biệt,” giáo sư Sinnreich cho biết.

Nhiều phụ nữ và người thiểu số hơn trên màn ảnh

Theo Darnell Hunt, một giáo sư xã hội học tại Đại học California Los Angeles, các studio đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa các nhân vật da màu và da đen xuất hiện thường xuyên hơn trên màn ảnh. Ngày nay, các diễn viên nữ và diễn viên da màu đang được trao nhiều cơ hội trong các bộ phim bom tấn – hơn bao giờ hết.  

Hunt cho rằng, những cố gắng này là thực sự cần thiết, bởi vì nếu không có sự đa dạng, “sẽ rất khó để cảm thông cho người khác.” Một bản báo cáo về tính đa dạng tại Hollywood chỉ ra, mặc dù chiếm đến 40% dân số Mỹ vào năm 2014, nhưng người da màu chỉ đảm nhận 12,9% số lượng các vai diễn chính trong 164 bộ phim được sản xuất trong năm đó.

Moonlight kể câu chuyện của một người đàn ông đồng tính da đen

Để thay đổi điều này, “Hollywood cần phải quan tâm đến sự đa dạng từ gốc rễ: câu chuyện nào sẽ được nhắc đến, ai sẽ kể câu chuyện đó, ai sẽ xuất hiện trong phim…”, vị Giáo sư nói, đồng thời đưa ra ví dụ tiêu biểu là tác phẩm vừa giành Quả cầu Vàng 2017, Moonlight, kể về cuộc đời của một người đàn ông đồng tính da đen - được cho là lấy cảm hứng từ chính đạo diễn kiêm nhà biên kịch của bộ phim, Barry Jenkins.

Tầng lớp lao động vẫn bị quên lãng

Một tầng lớp nữa ít xuất hiện trong các tác phẩm “đinh” của kinh đô điện ảnh, đó chính là tầng lớp lao động. Theo các nhà phân tích, việc nhắc đến các vấn đề tiền nong trong phim không phải là một phương thức marketing thường được sử dụng. “Làng giải trí luôn phân biệt giai cấp bởi vì vấn đề chi phí sản xuất,” Mary McNamara của báo Los Angeles Times viết. Đến cuối cùng, phía sau tất cả những giá trị văn hóa hay kiến tạo thay đổi mà nó đại diện, công nghiệp giải trí vẫn là một ngành kinh doanh cần lợi nhuận.  

“Bất kỳ lời ngợi khen chân thật nhất nào dành cho Hollywood cũng phải nói rằng, bằng nhiều cách khác nhau, nơi đây đại diện cho triết lý tự nhiên nhất của loại người… đó chính là kiếm tiền,” giáo sư Levinson của Đại học Fordham nói, “tất cả đều thể hiện ở doanh thu bán vé.”

Chừng nào khán giả còn tiếp tục bỏ tiền ra cho những bộ phim siêu anh hùng, hoạt hình hay đua xe…, các studio điện ảnh sẽ vẫn tiếp tục rót tiền vào chúng.

(Theo CSM)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ