• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ca sĩ hát một đêm vài trăm triệu, nhạc sĩ ốm không có tiền mua thuốc

Văn hoá 12/11/2018 07:47

(Tổ Quốc) - Việc thu tiền bản quyền tác giả hiện nay hết sức khó khăn, còn hàng trăm show diễn lớn nợ tiền tác quyền. Trong khi, ca sĩ hát một đêm kiếm vài trăm triệu nhưng nhạc sĩ sáng tác ra ca khúc thì ốm không có tiền mua thuốc.

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm CLB Cựu Đại biểu Quốc hội đã làm việc với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), bàn về tác động của một số chính sách pháp luật đang gây khó khăn cho công tác bảo hộ quyền tác giả âm nhạc, ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Hàng trăm chương trình không trả tiền bản quyền

Cụ thể, trước kia nếu muốn xin giấy phép cho chương trình nghệ thuật, biểu diễn, đơn vị tổ chức sẽ phải xin phép các tác giả trước. Theo đó, hồ sơ cấp phép phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Sở dĩ có hiện tượng vi phạm tràn lan tác quyền như hiện nay là vì các đơn vị tổ chức đã tìm thấy kẽ hở trong quy trình cấp phép để lách luật.

Ca sĩ hát một đêm vài trăm triệu, nhạc sĩ ốm không có tiền mua thuốc - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Ông Đinh Trung Cẩn- Tổng Giám đốc VCPMC cho hay, ông rất đau khi đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ mà gặp quá nhiều khó khăn. "Một nhạc sĩ chúng tôi còn trích tiền tác quyền âm nhạc để cho ông sử dụng trước, chúng tôi thu dần sau vì ông cần tiền chữa ung thư. Chúng tôi nhận thấy vô vàn hệ lụy nếu không bảo vệ được bản quyền cho người sáng tác", ông Đinh Trung Cẩn nói.

Ông Cẩn cũng cho rằng, trong khi ca sĩ hát một đêm 2-3 ca khúc kiếm được vài trăm triệu, nhưng nhạc sĩ sáng tác ra ca khúc đó thì khi ốm không có tiền mua thuốc. Đó là thiếu công bằng.

"Ca sĩ nổi tiếng có thể thu về 400-500 triệu đồng/show, bầu sô có thể bán hai, ba chục triệu một cặp vé, mua được nhà lầu xe hơi. Nhưng ai là người cung cấp tác phẩm để họ kiếm lời, nếu không phải là nhạc sĩ? Vậy mà khi trả tiền tác quyền thì họ tìm đủ mọi cách tránh né, thậm chí chửi bới um sùm. Thử hỏi các nhạc sĩ có đau lòng không? Chúng tôi nhận thấy vô vàn hệ lụy nếu không bảo vệ được bản quyền cho người sáng tác"- Ông Đinh Trung Cẩn chia sẻ.

Ca sĩ hát một đêm vài trăm triệu, nhạc sĩ ốm không có tiền mua thuốc - Ảnh 2.

Ông Đinh Trung Cẩn

"Thực tế có những đơn vị thành lập tới bốn công ty, xin cấp phép làm 4 chương trình, làm xong chương trình nào là xóa sổ luôn công ty. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có tìm đến nơi cũng chẳng đòi được tiền", ông Đình Trung Cẩn nói.

Ông Cẩn lấy ví dụ những show có lượng khán giả rất lớn, nhưng tính tới ngày 26/10/2018, các đơn vị tổ chức vẫn chưa chịu trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ như: show sử dụng âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Phú Quang hoặc show của các ca sĩ nổi tiếng như Lệ Quyên, Lan Anh, Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Khánh Ly, Hồ Ngọc Hà, Bằng Kiều…

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng với mong muốn cần phải quy định rõ phải có "hợp đồng sử dụng quyền tác giả với chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền mà chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền".

Bảo vệ quyền lợi của người sáng tác

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH Khóa X, XI cho rằng, về cơ bản, các cơ quan chức năng muốn giảm bớt thủ tục trong khâu cấp phép. Vì dù trong bộ hồ sơ cấp phép không có văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, thì quyền tác giả đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ ràng và mọi người phải có nghĩa vụ thực hiện.

Ca sĩ hát một đêm vài trăm triệu, nhạc sĩ ốm không có tiền mua thuốc - Ảnh 3.

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH Khóa X, XI

"Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang rà soát tất cả thủ tục, điều kiện để giảm một cách tối đa thủ tục phiền hà cho các nhà sản xuất, kinh doanh. Còn các thủ tục liên quan đến đối tượng khác thì phải cân nhắc, chứ không vì lợi ích nguời này mà bỏ qua lợi ích người khác. Cần bảo vệ hài hòa lợi ích các tầng lớp trong xã hội. Và việc kiện ra tòa là điều bất đắc dĩ… Nếu chúng ta có được một quy định để đề phòng sẽ tốt hơn", ông Khiển nói.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH Khóa XIII đồng tình, mọi việc đều phải công bằng, cần tuân tuân thủ các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. "Sân chơi của chúng ta là hội nhập, bình đẳng. Đây đã là tài sản riêng, sở hữu riêng thì có thể bán, có thể cho và thỏa thuận. Quy định pháp luật nào chưa phù hợp, chúng ta có quyền đề nghị điều chỉnh. Quan trong là phải minh bạch, thu chi rõ ràng nhằm tạo sự đồng thuận, phát triển".

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: "Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản của VCPMC, cũng đồng thời là trách nhiệm trước các tác giả hội viên của hội nhạc sĩ, chúng tôi tha thiết mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách pháp luật phù hợp, có tính thực tiễn cao, nhằm đảm bảo thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, cũng như có các biện pháp, hành động cụ thể, nhằm ngăn chặn thực trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc hiện nay đang diễn ra hết sức tràn lan, mà theo báo cáo vi phạm của VCPMC, chỉ trong thời gian ngắn, con số đã là 78 chương trình biểu diễn vi phạm về quyền tác giả (và mới chỉ là con số VCPMC phát hiện, còn ít hơn rất nhiều so với thực tế vi phạm chưa thống kê được). Đây thực sự là điều đáng báo động"!

Hạ Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ