(Tổ Quốc) – Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, ca sĩ Tân Nhàn cho biết, sắp tới chị sẽ hát trong chương trình “Quảng Bình trong câu hát” (diễn ra vào ngày 26-27/3), tại Nhà hát Lớn. Tân Nhàn sẽ hát như thế nào để ra "chất" mộc mạc, dung dị của Quảng Bình?
- 06.03.2017 “Khúc tráng ca bên dòng Nhật Lệ” mở màn chương trình nghệ thuật Quảng Bình trong câu hát
- 10.03.2017 Ấn tượng về tình đất, tình người “Quảng Bình trong câu hát”
- 13.03.2017 Ca sĩ Bạch Trà: Hạnh phúc khi được hát về Quảng Bình
- 16.03.2017 Nhiều hoạt động đặc sắc trong chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”
-Xuất hiện nhiều ở các chương trình âm nhạc dân gian, trữ tình quê hương và lần này chị quay trở lại “Nhà hát Lớn” và hát trong đêm nhạc “Quảng Bình trong câu hát”, suy nghĩ của chị thế nào về chương trình này?
Ca sĩ Tân Nhàn (ảnh: NVCC) |
+ Đối với bất kỳ một ca sĩ nào theo đuổi dòng nhạc chính thống như nhạc dân gian hay trữ tình quê hương, khi được tham gia các chương trình lớn, dàn dựng quy mô và hát chuyên về một dòng nhạc như đêm nhạc “Quảng Bình trong câu hát” là điều vô cùng thích.
Hiện nay, có nhiều chương trình ca nhạc nhưng để có một đêm nhạc chỉ hát riêng, ngợi ca về một mảnh đất quê hương nào đó là rất hiếm. Trong khi chúng ta có cả một kho tàng âm nhạc với nhiều ca khúc hay ngợi ca về tình yêu quê hương đất nước.
Là một trong số những ca sĩ nhận được lời mời từ Bộ VHTTDL đối với Tân Nhàn đó là điều rất vinh dự và vui mừng.
-Trong đêm nhạc chị sẽ thể hiện ca khúc “Huyền thoại trăng Nhật Lệ” đây là một ca khúc đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vậy chị sẽ làm thế nào để cân bằng được cảm xúc và kỹ thuật?
+ Ca khúc “Huyền thoại trăng Nhật Lệ” không phải ca khúc quá mới nhưng cũng chưa có nhiều người hát. Bài hát này tương đối khó vì đòi hỏi một quãng rất rộng. Là người được đào tạo bài bản, lại là một giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia, đối với Tân Nhàn, kỹ thuật không làm khó mình.
Lời ca trong bài hát không phức tạp và rất giản dị vì thế mình sẽ hát theo một cách riêng về quê hương Quảng Bình. Đặc biệt, Tân Nhàn sẽ hát một cách “dung dị” nhất để nói lên vẻ đẹp của Quảng Bình, mộc mạc, gần gũi và ấm áp. Đêm nhạc này, khán giả sẽ thấy một phiên bản mới về ca khúc này.
-Chương trình “Quảng Bình trong câu hát” sẽ quy tụ một dàn ca sĩ nổi tiếng trong đó sẽ có nhiều giọng ca trẻ tuổi, chị nghĩ gì về "hiện tượng" này?
+ Đây chính là sự tuyệt vời. Khi có nhiều ca sĩ trẻ tham gia vào chương trình lớn, quy mô hoành tráng như vậy sẽ làm cho chương trình phong phú. Đặc biệt, chúng minh sẽ thấy, dòng nhạc trữ tình quê hương vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả.
Có thêm nhiều ca sĩ trẻ hát về dòng nhạc chính thống chứng tỏ âm nhạc đã có được sự kế thừa. Thế hệ trẻ có mặt trong những chương trình như vậy sẽ làm cho bữa tiệc âm nhạc thêm phong phú. Mọi thế hệ cùng đứng chung sân khấu để ca về tình yêu quê hương đất nước….điều này thực sự là quá tốt.
-Hoạt động âm nhạc gần 20 năm nay, chị đánh giá thế nào về dòng chảy âm nhạc trữ tình quê hương?
+ Thời gian gần đây sức sống của dòng nhạc dân gian, cũng như trữ tình quê hương trở nên mạnh mẽ hơn. Tân Nhàn thấy, các bạn trẻ ngày nay hát cũng rất hay, hát với một tâm hồn đẹp. Chứng tỏ của dòng nhạc này vẫn có sự phát triển.
-Như chị chia sẻ, dòng nhạc này vẫn chảy tuy có lúc lặng lẽ và âm thầm. Vậy có bao giờ chị cảm thấy chạnh lòng khi truyền thông và phần lớn khán giả trẻ dường như “nguội lạnh” với những thông tin, sự kiện về các hoạt động của âm nhạc chính thống?
+ Cách đây 10 năm, Tân Nhàn thực sự rất buồn nhưng hiện tại thì không. Dòng nhạc này tuy không hoạt động ồn ào như các chương trình giải trí nhưng vẫn có được một lượng khán giả nhất định. Ngày nay, chúng ta cũng có nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc trữ tình quê hương, hay dòng nhạc dân gian.
Tân Nhàn đi biểu diễn nhiều nơi và thấy khán giả rất đón nhận dòng nhạc mình đang theo đuổi. Mọi ngóc ngách của làng quê đều yêu mến, ủng hộ và lắng nghe dòng nhạc này. Trong âm nhạc cũng có nhiều cá nhân xuất sắc chinh phục người nghe mà không cần nhiều tới sự lăng- xê của truyền thông.
Âm nhạc là phải đến được với công chúng. Cá nhân ca sĩ sẽ góp sức cho âm nhạc được phát triển. Do vậy, trong vai trò là một giảng viên, Tân Nhàn luôn hướng dẫn các em yêu mến và cần hiểu được ý nghĩa sâu sắc của dòng nhạc này. Còn đối với thị trường âm nhạc, Tân Nhàn hay các ca sĩ như Anh Thơ, Phương Thảo…. luôn cố gắng ra những sản phẩm âm nhạc tốt nhất gửi đến người nghe.
-Ngày này có nhiều ca sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian có được những danh hiệu cao nhưng không ghi được dấu ấn trong làng nhạc. Theo chị đâu mới là lý do?
+ Theo đuổi bất kỳ một dòng nhạc nào cũng đều gặp những khó khăn và trở ngại.
Thế hệ chúng tôi khi thi các chương trình âm nhạc may mắn hơn các em, bởi thời điểm đó, các chương trình giải trí không có nhiều như hiện này. Nhưng để đạt được sự thành công vẫn phải nỗ lực rất nhiều, phải có sự tư duy về nghề.
Các bạn trẻ hiện nay khi có được giải thưởng trong tay đã không định hướng được nghề, vì các bạn còn trẻ và chưa có độ chín. Nhiều người đôi lúc ngủ quên trong chiến thắng và tự mình tụt dốc.
-Vậy chị có mong muốn gì để cho dòng nhạc này được phát triển trong thời gian tới?
+ Thực sự, tôi thấy có nhiều bạn hát rất hay, rất tốt nhưng chưa có cơ hội được biết đến. Vì ngày nay, có rất nhiều cuộc thi âm nhạc, các game show nhưng lại không dành cho dòng nhạc chính thống, như vậy rất thiệt thòi cho các em.
Ngoài cuộc thi “Sao Mai” thì dường như ít có những cuộc thi chuyên nghiệp được chú trọng cũng như dành được sự quan tâm của truyền thông. Khi có các cuộc thi sẽ giúp các em trưng trổ được tài năng, được thể hiện mình và quảng bá hình ảnh đến công chúng. Đây cũng chính là cơ hội giúp cho dòng nhạc này phát hiện ra thêm được nhiều tài năng.
Tôi hy vọng sẽ có thêm thật nhiều các chương trình như “Mùa đông xứ Huế”, “Quảng Bình trong câu hát” hay “Vang mãi giai điệu Tổ Quốc”…để cho các ca sĩ trẻ có thêm nhiều cơ hội được làm nghề tốt hơn.
+ Xin chân thành cảm ơn ca sĩ Tân Nhàn
Ngọc Hà Lê (thực hiện)
a