(Tổ Quốc) - Trong một năm qua, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã hết sức cố gắng và có nhiều đóng góp, nhiều cải thiện nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
“Đêm nào Nhà Hát lớn cũng đỏ đèn”
GS. Nguyễn Minh Thuyết (Nguồn: Gia đình Việt Nam) |
GS. Nguyễn Minh Thuyết, ĐBQH Việt Nam khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Trong một năm qua, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã hết sức cố gắng và có nhiều đóng góp, nhiều cải thiện nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Về nghệ thuật biểu diễn, theo sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thời gian qua đêm nào Nhà hát Lớn cũng đỏ đèn. Những tác phẩm đỉnh cao, kinh điển đã được biểu diễn tại đây để phục vụ công chúng. Rõ ràng, các chương trình này đã góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của người dân, đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu nghệ thuật đồng thời góp phần cải thiện đời sống văn hoá của Thủ đô. Khi con người bị lôi cuốn vào những cái đẹp về nghệ thuật như vậy thì cái xấu, cái ác cũng lùi dần. Đây là cách làm rất hay của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Về du lịch, Bộ đã tăng cường quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài. Thời gian qua lượng khách du lịch quốc tế và trong nước đã tăng lên. Đặc biệt, nhiều địa điểm du lịch đã được quan tâm hơn, sửa lại cho khang trang hơn để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, đã có nhiều hình thức du lịch mới hấp dẫn. Tất nhiên, có được những thành công trong du lịch vừa qua không chỉ có vai trò của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà còn có sự chung tay của các Bộ và cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương, của người dân.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã được trình lên Quốc hội. Hy vọng là những quy định mới trong Luật sẽ thúc đẩy du lịch phát triển tốt hơn.
Về lĩnh vực thể thao, thời gian qua chúng ta đã liên tiếp đón tin vui. Ví như , xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành huy chương Vàng Olympic...Đây là niềm vinh dự lớn cho cho đất nước.
Các môn thể thao khác như: bóng đá, bơi lội, bóng chuyền... cũng đã gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng.
Nhìn một cách toàn diện, ngành đã có những thành tích đáng ghi nhận.
Còn về những tồn tại thì nên đánh giá một cách công bằng. Tôi lấy ví dụ về một câu chuyện mà một tờ báo đã đăng: “Một thầy giáo nước ngoài họp với phụ huynh học sinh. Thầy viết bốn phép tính lên bảng: 2 + 2 = 4; 4 + 4 = 8; 8 + 8 = 16; 9 + 9 = 20. Khi đó, phụ huynh ngồi bên dưới xì xào rồi ồ lên “Tại sao thầy giáo mà lại thực hiện sai những phép tính đơn giản như vậy?”.
Khi đó, thầy giáo cười và nói: “Tôi biết, trong bốn phép tính trên có một phép tính sai. Nhưng tôi ngạc nhiên tại sao tôi làm ba phép tính đúng mà các vị không khen mà chỉ nhằm vào phép tính sai?”. Ở đây, ý nghĩa của câu chuyện là tôi muốn dạy các cháu phải biết nhận ra những điều người khác đã làm được và biết khen, chứ không chỉ có chê.
Tôi cho rằng, câu chuyện trên rất giàu ý nghĩa, không chỉ trong giáo dục trẻ em mà trong ứng xử xã hội nói chung, trong đánh giá về công việc cũng cần biết những gì ngành đã làm được thì phải động viên, ghi nhận. Những gì sai thì nên góp ý một cách xây dựng.
Về sự cố vừa rồi tại Cục Nghệ thuật biểu diễn thật đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm. Bộ đã xử lý nhanh, kịp thời. Còn sự cố thì ngành nào cũng có.
"Ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã có bước tiến đáng kể"
PGS. Bùi Thị An (Nguồn: quochoi.vn) |
PGS. Bùi Thị An, ĐBQH Việt Nam khoá XIII, nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; nguyên ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
Giai đoạn vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có những hoạt động ghi dấu ấn, đặc biệt là về thể thao. Về văn hoá, tuy còn nhiều vấn đề nhưng đã bước đầu rà soát lại việc tổ chức lễ hội sao cho văn hoá hơn, kỷ cương hơn...
Du lịch trong thời gian qua đã nỗ lực rất nhiều, đã mang lại nguồn thu tương đối. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước tăng cao, giá trị thu được cũng tốt hơn. Tuy nhiên, tới đây, để mở rộng du lịch theo đúng định hướng của Chính phủ thì ngành du lịch phải vươn lên về nhiều mặt từ hạ tầng đến con người.
Cần phải tạo mọi điều kiện cho du lịch phát triển theo mục tiêu trở thành ngành công nghiệp không khói và là nguồn thu đáng kể cho đất nước. Vì thế, một trong những định hướng trong thời gian tới là phải nâng cao chất lượng con người trong ngành du lịch: cách ứng xử, hiểu biết về văn hoá, lịch sử Việt Nam, cách giao tiếp với khách du lịch trong và ngoài nước...
Cần ý thức rằng, du khách nước ngoài luôn tìm đến những nét đặc thù của châu Á nên ngành du lịch cần tôn tạo lại các di tích để họ đến tham quan. Đây cũng là một bước trong bảo tồn bản sắc... Nếu làm được điều này thì ngành du lịch Việt Nam còn tiến xa hơn nữa.
Ngoài ra, cũng cần phải xem lại về mặt thể chế liên quan đến du lịch, nghĩa là cởi mở, thu hút khách đến đông nhưng vẫn chặt chẽ, kỷ luật. Để làm được điều này thì cần có những văn bản quy định phù hợp, đội ngũ làm du lịch phải được đào tạo về trí tuệ, đạo đức...khi đó, ngành du lịch Việt Nam mới có thể “cất cánh”, đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Có thể nói, thời gian qua, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã có bước tiến đáng kể. Tất nhiên, trong quá trình làm sẽ không tránh khỏi những tồn tại, sai sót. Tất nhiên, những cái sai là không đáng có nhưng quan trọng là Bộ đã công khai nhận sai và xin lỗi. Tôi cho rằng, điều này đã hiện sự công khai, cầu thị.
"Không nên chỉ vì một vài sự việc mà phủ nhận tất cả"
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Hà Giang) |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X:
Phải đánh giá một cách công bằng rằng, thời gian qua, lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể, lĩnh vực thể thao đã gặt hái được những thành quả ấn tượng. Hoạt động du lịch mỗi ngày một phát triển và tăng trưởng. Điều này thể hiện ở lượng khách du lịch nước ngoài và trong nước ngày càng tăng mạnh...
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý những lĩnh vực rất phức tạp, đặc biệt là văn hoá, văn nghệ. Vì thế cho nên khó tránh khỏi những trục trặc trong quá trình thực hiện.
Bất kể ngành nào cũng khó tránh khỏi những sai sót xảy ra trong công việc. Và lúc sự việc xảy ra rồi, lãnh đạo của Bộ cũng đã ý thức được khuyết điểm, nhận thấy trách nhiệm của mình và đã kiên quyết tìm cách khắc phục, xử lý. Nguy hiểm nhất là có những ngành sai cả hệ thống, bị thanh tra rồi mới thấy được khuyết điểm. Điều này mới đáng buồn, đáng lo.
Với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – nếu chỉ vì một vài sự việc mà phủ định tất cả những nỗ lực của Bộ là không nên. Dư luận nên hoan nghênh tinh thần tự chịu trách nhiệm của Bộ để rồi cùng nhau xây dựng ngành văn hoá, thể thao và du lịch ngày một phát triển hơn nữa./.
Hà Giang